Theo Đại tá Bùi Quốc Tế, ngoài yếu tố thời tiết xấu, năng lực phi công VietnamAirlines có biểu hiện hạn chế nên dẫn đến sự cố hạ cánh lệch đường băng.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, liên tiếp trong thời gian qua Vietnam Airlines gặp sự cố khiến không ít hành khách lo sợ.
Đáng chú ý, sự kiện máy báy của Vietnam Airlines vừa hạ cánh lệch đường băng khiến phần càng, bụng máy bay hư hỏng nặng.
Sự cố này được một số chuyên gia đánh giá còn nguy hiểm hơn sự cố cũng máy bay cùng hãng này hạ cánh nhầm xuống đường bay chưa đi vào khai thác tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).
Khi những nghi ngại về đội ngũ phi công của hãng này có vấn đề đang được cơ quan chức năng vào cuộc, bức thư của đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói lên những tiêu cực, “bôi trơn” trong việc đào tạo, huấn luyện phi công của Vietnam Airlines khiến không ít người sởn gai ốc.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Bùi Quốc Tế (Phi công quân sự có kinh nghiệm hơn 1.700 giờ bay) phân tích: “Cũng có thể việc hạ cánh lệch đường băng vì lý do thời tiết xấu, nhưng bên cạnh đó một phần cũng do trình độ, năng lực phi công có thể chưa đáp ứng kỹ thuật hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu”.
Đại tá Bùi Quốc Tế cũng cho hay: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nắm được sự cố xảy ra đối với máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Việc máy bay Vietnam Airlines hạ cánh lệch đường băng tại sân bay Nội Bài cho thấy phần càng, thân máy bay bị dính đất, cỏ nhưng rất may là không bị nổ lốp.
Về nguyên tắc, việc hạ cánh lệch đường băng là mất an toàn, bởi có trường hợp nổ lốp dẫn đến bắn lên thân máy bay, mà bắn vào vị trí chứa nhiên liệu sẽ dẫn đến cháy máy bay. Điều đó sẽ vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng hành khách trên máy bay.
Trong lĩnh vực hàng không quân sự mà tôi có nhiều năm công tác, sự cố như vậy được đánh giá là uy hiếp an toàn bay. Còn với hàng không dân dụng, tôi không rõ họ đánh giá như thế nào”.
Liên quan đến tiêu cực huấn luyện, đào tạo phi công của Vietnam Airlines được đại biểu quốc hội đưa ra, Đại tá Bùi Quốc Tế cho rằng, phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Ông nói thẳng: “Vấn đề tiêu cực xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, trong huấn luyện, đào tạo phi công cũng không ngoại lệ. Anh muốn chuyển loại lên máy bay hiện đại hơn, chuyển lái phụ từ máy bay này sang máy bay khác cũng phải tiền.
Như chúng ta đã biết, trước đây, có trường hợp phi công dùng bằng giả. Bởi vậy, tiêu cực có thể xảy ra trong lĩnh vực hàng không. Đáng nói, phi công mà dùng bằng giả, trình độ kém sẽ vô cùng nguy hiểm, bởi mỗi chuyến bay có hàng trăm hành khách.
Rõ ràng, cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét việc đào tạo phi công của Vietnam Airlines như thông tin đại biểu quốc hội nêu là cần thiết”.
|
Ngày 28/7, máy bay Vietnam Airlines hạ cánh lệch đường băng khiến phần bụng máy bay bị hư hỏng nặng. Ảnh: CTV cung cấp. |
Cũng theo đại tá Bùi Quốc Tế, đội ngũ phi công của không ít hãng hàng không của Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định.
Trong đó có hãng hàng không Vietnam Airlines, thực tế hãng này mới phát triển được vài chục năm nay nên trình độ phi công đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều loại máy bay hiện đại.
Yêu cầu đối với phi công phải có tích lũy kinh nghiệm nhiều giờ bay, năm bay và phải được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cấp bằng. Trong khi đó, phi công Việt Nam thường mới bay trong nước, nếu có bay nước ngoài thường là lái phụ.
|
Nhiều hành khách bay Vietnam Airlines nằm vật vờ tại sân bay do bị chậm, hủy chuyến từ 20h tối ngày 14/5 đến tận 3h sáng ngày 15/5. Ảnh: Hà Phương/GDXH |
Bộ Giao thông làm ngược
Một diễn biến mới trên sàn chứng khoán thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây đó là liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải đăng ký mua cổ phiếu HVN của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Theo thông báo của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN), Bộ Giao thông Vận tải đã đăng ký mua trên 164 triệu cổ phiếu HVN mới với mức giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu, tương đương 15,58% tổng số cổ phiếu HVN mà Bộ đang nắm giữ.
Như vậy, qua đó Bộ Giao thông Vận tải duy trì tỷ lệ cổ phần tại hãng hàng không này ở mức 86,16%.
Về việc Bộ Giao thông Vận tải mua cổ phiếu HVN, chiều 31/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết: “Việc Bộ Giao thông Vận tải mua 164,7 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines là cách làm rất khó hiểu, nếu không muốn nói là làm ngược.
Việc mua cổ phần của Bộ Giao thông Vận tải có thể nói là thiếu gương mẫu trong việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước mà nhiều bộ, ngành đang hướng đến.
Việc Bộ Giao thông Vận tải đứng ra mua cổ phiếu Vietnam Airlines, tức Nhà nước bỏ tiền ra mua, như vậy là không ổn. Trong khi đó, có rất nhiều công trình giao thông cần phải xây dựng, nhu cầu vốn vô cùng lớn mà Bộ này không làm lại đi kêu gọi BOT, BT gây bức xúc thời gian qua”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam – ông Nguyễn Hoàng Hải, một trong những nguồn tiền ngân sách để phát triển giao thông là từ hoạt động thoái vốn.
Bộ Giao thông Vận tải kêu "đói" vốn nhiều công trình giao thông, trong khi Bộ này đang nắm giữ một lượng vốn lớn để xây dựng các công trình này thì lại không làm.
Bộ Giao thông Vận tải lẽ ra phải đi đầu, làm gương cho các bộ ngành, địa phương trong việc thoái vốn từ doanh nghiệp nhà nước, nhưng bộ này lại làm ngược lại.