Tại danh sách cơ sở vi phạm từ ngày 01/5/2024 đến 15/5/2024 lĩnh vực Dược - Mỹ phẩm -Thiết bị y tế - Đấu thầu do Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh công bố, Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam (lầu 4A, tòa nhà Vincom, 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã có hành vi vi phạm kinh doanh mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố đã được duyệt và quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo.
Công ty Amorepacific Việt Nam bị tiêu huỷ lô sữa rửa mặt không đạt chất lượng. Ảnh Amore Pacific |
Được biết, sản phẩm sữa rửa mặt Innisfree Bija Trouble Facial Foam (tuýp 150g, số lô K50689, HSD 3/10/2026) do Cosvision Co., Ltd - Korea sản xuất và Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Do đó, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam 115 triệu đồng và công ty này buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; buộc thu hồi và tiêu huỷ sản phẩm vi phạm nêu trên; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo vi phạm.
Lô sữa rửa mặt Innisfree Bija Trouble Facial Foam bị tiêu hủy vì không đạt chất lượng. |
Trước đó qua công bố kiểm nghiệm của Cục Quản lý Dược, trong mỹ phẩm Innisfree Bija Trouble Facial Foam có chứa Acid salicylic không có trong thành phần công thức đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Vì vậy ngày 09/4 vừa qua, Cục Quản lý Dược đã ra Quyết định số 228/QĐ-QLD thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sữa rửa mặt Innisfree Bija Trouble Facial Foam, số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm 135394/20/CBMP-QLD ngày cấp số tiếp nhận là 20/10/2020 do Công ty TNHH Amorepacific Việt Nam chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Dược Thư 2012 Salicylic Acid là một axit Beta Hydroxy (BHA) một chất tẩy tế bào chết hóa học, chủ yếu được biết đến với công dụng trị mụn, chống tiết bã nhờn, trị vảy nến tùy theo nồng độ thuốc. Acid salicylic được hấp thu dễ dàng qua da và bài tiết chậm qua nước tiểu, do vậy đã có trường hợp bị ngộ độc cấp salicylat sau khi dùng quá nhiều acid salicylic trên diện rộng của cơ thể.
Với cơ chế đó Salicylic Acid được dùng nhiều trong ngành mỹ phẩm. Tuy nhiên hàm lượng Salicylic Acid được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm hàm lượng tối đa chỉ 0,5%.
Tại văn bản số 817/QLD-MPcủa Cục Quản lý Dược ngày 19/01/2023 về việc cập nhật quy định về các chất sử dụng trong mỹ phẩm gửi tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm thực hiện Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm. Phụ lục VI của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN nêu, cập nhật quy định về giới hạn của chất Salicylic acid và các muối của nó: Calcium salicylate, magnesium salicylate, MEA-salicylate, sodium salicylate, potassium salicylate, TEA-salicylate tại tham chiếu số 3: Là chất bảo quản được phép sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm với hàm lượng tối đa 0,5% (tính theo Acid).
Tags: