Ngày 18/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đề điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Dự công bố Kết luận thanh tra có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình, tỉnh Nghệ An, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Cà Mau.
Tại buổi công bố, ông Vũ Quốc Công, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I, Trưởng đoàn Thanh tra đã công bố toàn văn Kết luận số 495/KL - TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT.
Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đề điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. (Ảnh: TTCP). |
Theo kết luận thanh tra, Bộ NN&PTNT lập, phê duyệt mới 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt 2 năm, thực hiện không đúng quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật Thủy lợi năm 2017 và chưa lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện không đúng quy định về thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch; có 2/7 quy hoạch, trong đó nội dung quy hoạch chưa thể hiện cho từng thời kỳ là 5 năm (vùng Tây nguyên và Đông Nam Bộ)…
Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung 3 quy hoạch thuỷ lợi đối với một số lưu vực sông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 không đung thẩm quyền.
Tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt Quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Quyết định số 1397/QĐ-TTg, dẫn đến, tỉnh Cà Mau thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018-2023 và trước đó. UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi (Quyết định số 1652/QĐ-UBND.HC ngày 28/12/2018) không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch, thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Luật Thủy lợi năm 2017. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đồng Tháp.
“Từ việc Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thuỷ lợi như trên, dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế do giai đoạn của quy hoạch và giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế không phù hợp nhau, thiếu cơ sở để phê duyệt chủ trương đàu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp”, Kết luận thanh tra nêu rõ.
Từ kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ đất, mặt nước để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định của Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, việc xây dụng các đập thủy điện ở thượng nguồn và nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sưng quy định cụ thể về phương thức giao nhiệm vụ thục hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, điều kiện, quy trình và cơ sở của phương thức đặt hàng.
Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp thu toàn bộ nội dung Kết luận thanh tra. Đoàn thanh tra với phương pháp làm việc khoa học, đi đến tận cùng bản chất sự việc, đặc biệt đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhất trí toàn bộ nội dung Kết luận thanh tra. Đặc biệt là những vấn đề Đoàn thanh tra kiến nghị các bộ, ngành trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải làm ngay. Căn cứ Kết luận thanh tra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra.
Dự kiến trong quý 1/2025 sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan quan.
Tại buổi công bố kết luận thanh tra, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các đơn vị có liên quan cho biết, sẽ nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định, Xử lý sau thanh tra (Cục V), Thanh tra Chính phủ đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tại Kết luận thanh tra. Đồng thời, lưu ý các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố Kết luận thanh tra phải lập Kế hoạch thực hiện Kết luận thanh tra.
Ông Hoàng Hưng Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ cho biết việc công bố Kết luận thanh tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị theo Kết luận thanh tra.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra. Trong đó, lưu ý xác định rõ đối tượng, cơ quan chịu trách nhiệm chính, thời hạn, việc kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo để Thanh tra Chính phủ có cơ sở kiểm tra, đánh giá việc thực hiện...
Tags: