Máu cờ bạc, đỏ đen, cá độ đã khiến biết bao con người phải rơi vào hoàn cảnh cùng cực về tài chính, thậm chí là quẫn bách phải tìm đến con đường “giải thoát” cho bản thân, bởi họ cho rằng “còn người còn nợ, hết người hết nợ”. Nhưng liệu suy nghĩ này có đúng với pháp luật hiện nay?
Mùa Euro vừa chính thức khép lại, bên cạnh việc ăn mừng chiến thắng với sự xuất hiện của nhà vô địch năm nay, thì những câu chuyện đau lòng về nhảy cầu do vỡ nợ, tự tử vì cá độ vẫn là chủ đề muôn thuở được nhắc đến.
Sự cùng cực về tài chính, dẫn họ tới quẫn trí, tìm giải pháp cực đoan để xóa nợ, với suy nghĩ “còn người còn nợ, hết người hết nợ”. Tuy nhiên cách hiểu đó không hoàn toàn đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
|
Nhảy cầu tự tử. Ảnh minh họa |
Theo khoản 3, điều 422 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về chấm dứt hợp đồng xác định: Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp "Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện". Quy định trên chỉ xác định Hợp đồng vay nợ sẽ chấm dứt tồn tại nhưng không đồng nghĩa với việc xóa nợ, loại trừ nghĩa vụ trả nợ.
Nếu một người dù đã tử vong nhưng họ còn tài sản thì tài sản này vẫn phải sử dụng để đảm bảo thanh toán cho khoản nợ của người đó theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:
"1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Như vậy xét trên góc độ pháp luật, hành động tự tử không có tác dụng đáng kể cho việc thoát nợ. Người vay vẫn phải trả nợ trong phạm vi tài sản của mình, thậm chí những người phải đứng ra đương đầu, giao tiếp với chủ nợ chính là người thừa kế, vợ con của họ.