Mang trong mình căn bệnh xương thuỷ tinh với thời gian sống ngắn ngủi, nhưng cô gái nhỏ Huỳnh Thanh Thảo lại chứa đựng trong mình một năng lượng sống đặc biệt.
Tin nên đọc
Hỡi những người tốt, hãy liên hiệp lại!
Hà Nội: Kẻ xấu lừa đảo người tốt giữa ngày Tết
Vụ chồng thiếu vợ vì 50 nghìn đồng: Được ủng hộ nhiều tiền, tại sao 2 con nhỏ nạn nhân xin tiền mai táng?
Nhịp cầu Plus hỗ trợ nạn nhân trong vụ chồng thiêu vợ
|
Cô giáo xương thuỷ tinh Huỳnh Thanh Thảo và các em sinh viên tại quán cà phê khuyến học. |
Chính nguồn năng lượng ấy đã giúp cô làm những việc hữu ích mà người lành lặn chưa hẳn đã thực hiện được.
Mẹ bán ruộng để con thực hiện ước mơ làm việc tốt
28 tuổi nhưng Huỳnh Thanh Thảo chỉ cao 65cm, ngồi trên chiếc xe lăn nhỏ xíu. Điều đặc biệt nhất của cô gái trẻ là nụ cười đầy sức sống, luôn bừng sáng trên gương mặt.
Nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng khi nhắc đến những kế hoạch thiện nguyện của mình thì Thảo như biến thành con người khác, khỏe khoắn, hoạt bát, hân hoan. Hiện Thảo đang triển khai kế hoạch mở một thư viện sách kiêm quán cà phê để hỗ trợ cho học sinh nghèo và người khuyết tật ở quận Gò Vấp (TP HCM).
Tất cả bắt nguồn từ cái thư viện miễn phí do Thảo thành lập ở ấp Ràng (huyện Củ Chi) với tên gọi thư viện “Cô Ba”. Lúc đầu, thư viện chỉ có vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng.
Đến năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân của chất độc da cam, một phụ nữ người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng lại thư viện thành nơi khang trang hơn.
Dần dà, nhiều người truyền tai, bạn bè ở các nơi cũng biết tới Thảo nhiều hơn nên sách vở, tranh ảnh, tài liệu học tập… được tới tấp gửi đến, giúp Thảo mở rộng thư viện của mình.
Trong những lần tham gia từ thiện, thấy nhiều bạn khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định, mặt khác nhằm duy trì nguồn quỹ học bổng “Cô Ba ấp Ràng” Thảo nảy ra ý tưởng mở quán cà phê để nối kết mọi người xích lại gần nhau, vừa có đồng vốn quay vòng vừa bảo vệ được quỹ học bổng tồn tại cho thư viện.
Để quán cà phê hoạt động tốt thì không thể đặt ở Củ Chi mà phải dời lên nội thành. Biết ý định này của con gái, lúc đầu bà Nguyễn Thị Xuân (mẹ Thảo) băn khoăn vì Thảo còn ốm yếu, không lành lặn, không dám để con sống một thân một mình không ai chăm sóc.
Nhưng nghị lực cũng như quyết tâm của Thảo dần dà đã thuyết phục được mẹ. Khi hiểu hết rằng việc làm của con mình có ý nghĩa lớn với mọi người xung quanh, con đang đem sức nhỏ góp phần giúp ích cho xã hội, mẹ Thảo đã ủng hộ hết mình.
Bà quyết định bán mấy mảnh ruộng ở sau nhà mang lên Gò Vấp mua lại chung cư cũ cho Thảo thực hiện ước mơ.
Quán cà phê khuyến học của cô giáo xương thuỷ tinh
Với tình yêu thương căng đầy, Thảo liên tục tổ chức các chuyến thăm trẻ mồ côi, cụ già neo đơn; các chương trình vui chơi cho thiếu nhi, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ; thành lập Câu lạc bộ San sẻ yêu thương.
Sự cống hiến không mệt mỏi vì cộng đồng đã mang về cho Thảo rất nhiều danh hiệu: Giải A cá nhân cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” do Ban Thường vụ Thành Đoàn TP HCM tổ chức năm 2010, Giải thưởng Chim Én 2011, Gương Thanh niên tiêu biểu năm 2012 của TP HCM.
Huỳnh Thanh Thảo còn là một trong 21 tấm gương được chọn trong cuộc thi viết “Gương nghị lực phi thường” và đã được tôn vinh trong hai đêm Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt tại Hà Nội và TP HCM vào tháng 5/2014…
Miệt mài cống hiến sức mình để dạy dỗ các em học sinh, giờ đây tâm sức của cô giáo xương thuỷ tinh đã được đền đáp khi gần 150 học sinh nghèo ở ấp Ràng được Thanh Thảo truyền đạt kiến thức đã tự tin bước vào giảng đường đại học.
Thư viện nhỏ xíu của cô Ba ấp Ràng ngày nào giờ đây đã trở thành quán cà phê sách ở Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn...
Ước mơ của cô giáo xương thuỷ tinh bé nhỏ rất giản dị, xoay quanh cái quán cà phê sách của cô. Thảo ước số sách báo cứ tăng dần, nhiều lên theo thời gian nhờ những tấm lòng thiện nguyện.
Cô cũng mơ ước sẽ có nhiều người biết đến quán cà phê sách và chung tay với cô, bởi quán không chỉ dừng lại là nơi kết nối những người cùng cảnh ngộ, là thư viện sách, tài liệu miễn phí cho học sinh khó khăn mà còn là nơi để các học trò nhỏ của cô từ Củ Chi lên thành phố thi đại học có chỗ ở để tiện trong việc đi lại.
Dù đã ra khỏi ấp Ràng, mở rộng hoạt động thiện nguyện của mình ra tầm xa hơn nhưng cô giáo xương thuỷ tinh vẫn đau đáu về những đứa học trò nhỏ của mình bởi một ngày là thầy, cả đời là thầy.