Ngày 15/9, tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình- SGK mới đã có buổi chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT), dự kiến áp dụng trong năm học 2019 – 2020 theo kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, chỉ còn 1 năm nữa nhưng hiện chương trình và cả SGK mới đều chưa có…
|
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới. |
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình cho biết: “Việt Nam đã tiến hành tới 3 cuộc cải cách và 1 lần đổi mới giáo dục, nhưng cả 3 lần cải cách đó đều chưa thay đổi CTGD mà chỉ đổi mới SGK. Đến lần này là lần thay đổi, xây dựng chương trình một cách bài bản nhất”.
Theo đó, Chương trình mới dự kiến được Bộ GD&ĐT thực hiện với lộ trình cụ thể như sau: năm học 2019-2020 thay đổi chương trình lớp 1; năm học 2020 - 2021 thay đổi chương trình lớp 2, lớp 6; năm học 2021 - 2022 lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2022 - 2023: lớp 4, lớp 8, lớp 11; năm học 2023-2024 lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Đặc biệt, chương trình mới sẽ có 3 điểm thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình, cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh và sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Với trọng tâm hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, CTGDPT mới sẽ không thực hiện “giáo dục cào bằng” mà quan tâm tới cá nhân. Bởi mỗi người có tố chất khác nhau. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình mới phải tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những nội dung học tập phù hợp với bản thân mình.
Theo Tổng chủ biên CTGDPT mới, từ năm 1956, Việt Nam có nhiều SGK. GS Nguyễn Lân từng xuất bản riêng SGK của mình. Nhưng khoảng từ năm 1970, Việt Nam không còn nhiều SGK nữa mà chỉ có một bộ. Đến năm 2005, nước ta mới có thêm bộ SGK nữa. Miền Nam trước đây cũng có nhiều SGK.
“Tôi ủng hộ nhiều SGK, cần tạo ra không khí cạnh tranh lành mạnh. Các cơ sở GDPT phải được lựa chọn SGK dựa trên lựa chọn của giáo viên. Nếu giao cho sở GD-ĐT hay hiệu trưởng thì không đúng Nghị quyết Quốc hội là quyền lựa chọn SGK của cơ sở đào tạo”, ông Thuyết khẳng định.
Về tiến độ công bố chương trình môn học, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết đã có 20/25 hội đồng thẩm định các môn học thông qua, hiện tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GD-ĐT xem xét. Khoảng tháng 9, 10 sẽ ban hành được chương trình môn học.
Trả lời câu hỏi hiện nay chương trình SGK đều chưa có, thì năm học tới có thực hiện bộ SGK mới theo đúng lộ trình? GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay: “Từ ngày 19/1, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo môn học trên Cổng thông tin của Bộ, các nhà xuất bản đã viết sách. Khi Bộ trưởng ký ban hành chương trình chính thức, người viết sẽ đối chiếu và sửa theo chương trình chuẩn. Họ phải “gối lên nhau” chứ không thể chờ xong mới làm được. Lớp 1 chỉ có 6 môn. Nhưng có chắc làm được vào năm 2019 hay không phải phụ thuộc quyết định của Bộ GD-ĐT”.
Về việc còn nhiều ý kiến trái ngược về một chương trình nhiều bộ SGK, GS Thuyết nói ông ngạc nhiên vì Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành mà vẫn còn ý kiến phân vân. Về thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88 (cho phép một chương trình nhiều bộ SGK) nhưng quy trình để ban hành một nghị quyết mới sẽ rất lâu. Mọi người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật.
Theo ông Thuyết, Việt Nam đổi mới mà vẫn giữ một chương trình một bộ SGK là không ổn. Nghị quyết 88 ra đời tạo điều kiện để huy động trí lực của xã hội. Các nhóm tác giả cạnh tranh về chất lượng để người học được lợi.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết ở Mỹ, giáo viên có quyền được viết SGK. Ở Việt Nam, trên sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cầm tay chỉ việc, hạn chế sáng tạo. Tất nhiên, một chương trình nhiều SGK cũng có phức tạp nhưng không phải vì thế mà không làm.
Trước đó, trả lời báo chí về phương pháp đánh vần “ô vuông, hình tròn”, của GS Hồ Ngọc Đại, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định cách đánh vần này không liên quan đến CTGDPT mới. Theo đó, tài liệu này không liên quan gì đến chương trình, SGK GDPT mới mà ông và các cộng sự đang triển khai.