Năm 2018, trong số gần 6.000 văn bản do các cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh ban hành được kiểm tra thì đã phát hiện 84 văn bản có quy định trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Kết quả kiểm tra, xử lý là tích cực nhưng có những văn bản chưa được xử lý kịp thời lại đem đến những ảnh hưởng không tốt đến xã hội, người dân.
|
Hình minh họa. |
Tính đến nay, có 52/84 văn bản đã xử lý được nội dung trái pháp luật; 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý). Ngoài ra, trên cơ sở theo dõi, đôn đốc của Cục Kiểm tra VBQPPL, có 77 văn bản của các cơ quan cấp bộ và địa phương được Cục kết luận kiểm tra trước năm 2018 đã được xử lý trong năm 2018.
Đặc biệt trong năm qua, thực hiện Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật (số 109/NQ-CP ngày 23/8/2018) và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về kết quả kiểm tra VBQPPL năm 2017, các cơ quan cấp bộ và địa phương đã tập trung, tích cực rà soát, xử lý dứt điểm được nhiều văn bản trái pháp luật đã được phát hiện trong năm 2017, đồng thời chấn chỉnh đối với các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Việc xử lý văn bản trái pháp luật nhìn chung được các cơ quan thực hiện khá nghiêm túc, kịp thời. Nhiều trường hợp, ngay sau khi trao đổi, thảo luận tại cuộc họp với Bộ Tư pháp, cơ quan ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đã tiếp thu ý kiến, khẩn trương có phương án xử lý đúng quy định và thông tin kết quả xử lý cho Bộ Tư pháp. Những trường hợp này Cục Kiểm tra VBQPPL không ban hành kết luận kiểm tra để kiến nghị xử lý.
Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản năm 2018 cho thấy, việc thực hiện công tác này trên cả nước đã góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực đến xã hội, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Kết quả công tác kiểm tra VBQPPL cùng công tác rà soát VBQPPL đã từng bước nâng cao chất lượng xây dựng VBQPPL, tạo cơ sở để thống nhất về cơ chế, chính sách, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường và hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, việc phát hiện văn bản trái pháp luật, đặc biệt là văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành nhìn chung còn hạn chế; còn có trường hợp văn bản trái pháp luật không được phát hiện kịp thời, hoặc đã được phát hiện, kết luận nhưng chậm được xử lý hoặc xử lý không triệt để, không đúng hình thức. Việc xác định hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra còn gặp nhiều khó khăn. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ, dẫn đến tình trạng ban hành VBQPPL trái pháp luật hoặc thiếu tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả việc kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, theo Bộ Tư pháp, các bộ, ngành cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành VBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Đồng thời, tuân thủ triệt để kỷ luật, kỷ cương và nguyên tắc pháp chế trong các hoạt động từ tham mưu ban hành VBQPPL đến soạn thảo, góp ý, thẩm định, thông qua VBQPPL; tự kiểm tra, kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền và xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra VBQPPL, trong đó có quy định về việc thực hiện xem xét, đánh giá hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Bên cạnh đó, khi phát hiện ban hành văn bản trái pháp luật, cần kịp thời thực hiện nghiêm túc việc xử lý văn bản và xem xét, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với công chức, đơn vị có liên quan theo quy định cũng như thông tin kịp thời kết quả xử lý về Bộ Tư pháp. Trong trường hợp phát hiện có văn bản trái pháp luật đã được kết luận, kiến nghị xử lý nhưng cơ quan ban hành để kéo dài, chậm xử lý hoặc xử lý không triệt để nội dung trái pháp luật, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh cần phải kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xử lý theo thẩm quyền.