Chính phủ thống nhất việc không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4- 2025.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4-2025, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với 6 dự án luật, nghị quyết để trình Quốc hội nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Cùng với đó, tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập có nguyên nhân từ quy định của pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho đầu tư kinh doanh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho những vấn đề mới, xu hướng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu 8% trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số.
Về Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự sửa đổi (kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người), Chính phủ giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.
 |
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Ảnh minh hoạ |
Theo Chính phủ, việc không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương.
"Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp.
Trường hợp Quốc hội có ý kiến khác, Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền", nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.
Đối với 6 dự án luật, nghị quyết được cho ý kiến tại phiên họp gồm: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch, Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Với Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Chính phủ định hướng cần rà soát, nghiên cứu, bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng ưu, nhược điểm, tác động của việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; việc nâng hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm và bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Chính phủ giao Bộ Công an rà soát kỹ các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và Trung ương liên quan đến Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao.
“Việc không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao không trái với các nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương, Chính phủ thống nhất với việc không tổ chức Cơ quan điều tra của VKSND tối cao theo đúng quy định của Hiến pháp”- Nghị quyết nêu rõ trường hợp Quốc hội có ý kiến khác, Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội báo cáo xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật.
Trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi), trình Quốc hội.
Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ cho biết dự thảo chỉ quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao Chính phủ quy định về những nội dung cụ thể, chi tiết, chuyên ngành và ưu tiên sửa đổi những vấn đề cấp bách, liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu quy định tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy… bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, Chính phủ thống nhất bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản.