Không còn ai nghi ngờ rằng, tác động của khủng hoảng "kép" từ đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua và căng thẳng địa chính trị đang gây ra những tác động cộng hưởng chưa từng có lên nguồn cung, giá cả và chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Đây cũng là nhận định được Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái nêu ra tại phiên khai mạc Phiên toàn thể Hội nghị WEF 52 đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã nêu 5 đề xuất quan trọng.
Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững... khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản; về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.
Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển...
Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.
Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.
Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Định hướng của Việt Nam với nông nghiệp là xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, "xanh – sinh thái - bền vững", xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái", "nông thôn hiện đại", "nông dân thông minh". Đây cũng là nội dung được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa kết thúc hôm 10/5.
Với Việt Nam, thiên nhiên ban tặng bốn mùa mưa nắng, đồng bằng phì nhiêu, hệ thống kênh rạch chằng chịt..., nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 càng chứng minh giá trị “trụ đỡ” của nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp Việt Nam hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn... Đồng thời, phát huy lợi thế vùng, miền; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; phát triển cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đây là chiến lược vì sự bền vững lâu dài.