"Trong cuộc chiến bình đẳng giới, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xóa bỏ những định kiến".
Xã hội Việt Nam xưa nay vẫn luôn mặc định nam giới phải/nên là trụ cột gia đình, quyết định những việc lớn trong nhà và ngoài xã hội. Ngược lại, phụ nữ thì được khuyên bảo, khuyến cáo tập trung vào các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình.
Tư tưởng này hằn sâu đến mức, giờ đây đã là năm 2017 của thế kỷ 21, vẫn không ít người tin rằng phụ nữ học vừa thôi, không nên vượt mặt chồng, nghĩa là dám tự quyết, dám kiếm tiền nhiều hơn, có vị thế xã hội cao hơn…
Quan niệm trên tác động ra sao đến sự phát triển xã hội, cũng như quyền lựa chọn của phụ nữ? Đây là chủ đề cuộc trò chuyện của Tuần Việt Nam/ báo VietNamNet với khách mời tháng 4 - nhà báo Hoàng Anh Tú, người nổi tiếng trong vai trò anh Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò.
Gần đây Hoàng Anh Tú còn được biết đến nhiều qua các bài viết, cuốn sách xoay quanh quan điểm hạnh phúc, gia đình và vai trò người phụ nữ.
Các bài viết của anh thường đề cao vai trò của phụ nữ, cổ vũ phụ nữ theo đuổi đam mê và năng lực của họ. Điều gì khiến anh quan tâm đến đề tài này? Anh có bao giờ bị ghét khi “động” vào đề tài rất hay gây tranh cãi này?
Tôi có hai con gái, ủng hộ phụ nữ đương nhiên là trách nhiệm của tôi, với sự phát triển của các con gái tôi. Tôi nghĩ cũng sẽ có nhiều người đau khổ khi nhìn con gái mình bị đối xử thiếu công bằng trong cuộc sống hay khi lập gia đình.
Những gì tôi đang viết, tạm gọi là chiến đấu cho sự bình đẳng, đều nhằm thúc đẩy người phụ nữ hiểu biết hơn về giá trị của bản thân.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ rõ ràng đã khiến thân phận người phụ nữ bị bỏ quên. Nhiều bài viết của tôi nhắc nhở phụ nữ về giá trị của mình bị các bà mẹ chồng phản đối.
Nói vui ngày xưa tôi được báo mạng tôn vinh là người chồng ngôn tình nhất Việt Nam, ngay sau đó thành người đàn ông bị các ông chồng Việt Nam ghét nhất, và giờ đây tôi là người đàn ông bị các mẹ chồng ghét nhất Việt Nam. Bài nào của tôi cũng bị vài mẹ chồng vào nói: Cháu đang làm hư phụ nữ!
Điều đó có lẽ cũng dễ hiểu. Bởi nhiều người tin rằng nếu phụ nữ yên phận ở nhà, đứng sau đàn ông thì người đàn ông sẽ thoải mái hơn khi ra ngoài xã hội và quan trọng nhất là anh ta giữ được cái oai, cái uy?
Là một người đàn ông, tôi cũng từng nghĩ thế, được giáo dục như thế. Không chỉ trong gia đình, mà ngay sách vở nhà trường cũng được kêu gọi phải thay đổi, khi có quá nhiều hình ảnh nam giới làm những việc quan trọng, còn nữ giới chỉ loanh quanh công việc nội trợ, nhẹ nhàng…
Bạn bè cũng “giáo huấn” tôi như vậy. Chẳng hạn, trong các cuộc bia rượu, nếu vợ tôi gọi điện thoại đến, họ sẽ nói ngay: “Mày không được để như vậy, vợ phải ở nhà chờ mày về chứ không phải gọi điện giục mày về”. Đàn ông chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ cách “dạy” vợ.
Tuy nhiên, khi bắt đầu làm báo, được tiếp xúc với những người phụ nữ mạnh mẽ, tôi đã thay đổi. Nghĩ lại, chẳng phải trong lịch sử chúng ta đã có những người phụ nữ rất can trường, khí phách như Bà Trưng, Bà Triệu, nguyên phi Ỷ Lan… sao?
Thực ra họ thể hiện rất rõ văn hoá Việt, một nền văn minh lúa nước, đề cao sự chăm sóc. Trong khi văn minh Trung Quốc là săn bắn trên thảo nguyên, đề cao người đàn ông. Cội nguồn văn hoá Việt như vậy không lý gì sau 1.000 năm Bắc thuộc chúng ta lại theo văn hóa giống người phương Bắc.
Từ xưa đến nay, chúng ta luôn mặc định người đàn ông là trụ cột gia đình, cả về kinh tế và tinh thần. Tuy nhiên thực tế có thể thấy, người phụ nữ gánh vác trách nhiệm rất lớn, kiểu như nhà thơ Trần Tế Xương từng cảm thán: “Quanh năm buôn bán ở mom sông; nuôi đủ năm con với một chồng…”. Vất vả như vậy mà vẫn luôn phải làm cái bóng đứng sau, anh thấy có bất công cho phụ nữ?
Thực ra ai là trụ cột cũng đều bất công. Tôi vẫn mong muốn dù là đàn ông hay phụ nữ, ai làm tốt việc gì thì hãy làm việc đó. Như ở nhà tôi, vợ tôi là người kiếm tiền chính, và tôi hoàn toàn thoải mái, hạnh phúc với điều đó. Tôi cũng có nhiều người bạn thân có vợ kiếm tiền tốt hơn chồng. Việc của mấy ông chồng chúng tôi là làm công việc ổn định và chăm sóc vợ con.
Tôi biết sẽ có nhiều người, đặc biệt những người đàn ông thủ cựu, chê chúng tôi hèn. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định, hèn hay không nằm ở việc anh đối xử với vợ thế nào, chứ không phải việc anh làm ra bao nhiêu tiền. Vợ tôi đang làm tốt công việc của mình.
Điều cô ấy mong muốn là tương lai ổn định cho tôi và các con. Vợ tôi đang chiến đấu trong công việc kinh doanh để tôi có được một không gian thoải mái, không bị những tác động của cuộc sống khiến ngòi bút của tôi khác đi.
Khi tôi viết bài phê phán một doanh nghiệp, cô ấy nói với tôi nếu doanh nghiệp đó sai thì dù họ trả bao nhiêu tiền anh cũng không được dừng bài viết, dừng tìm ra sự thật.
Đó là sự ủng hộ rất giá trị mà một người phụ nữ có thể làm cho chồng mình. Cho nên, những thành công của tôi luôn có hình bóng của vợ, cho dù thầm lặng. Tôi thật lòng biết ơn cô ấy và luôn công khai điều đó.
Anh chị đã rất may mắn. Nhưng bao nhiêu cặp đôi làm được như vậy? Nhiều người phụ nữ thông minh, có tài nhưng vẫn lựa chọn đứng lặng lẽ sau người đàn ông. Họ có sai lầm?
Khi hai người xa lạ đến với nhau, như hai “mảnh ghép” không thể nào vừa vặn ngay, cần thời gian để chúng ta mài giũa cái tôi và sắp xếp vị trí: lúc nào đứng trước, lúc nào đứng sau. Người ta lựa chọn lùi lại hay tiến lên đều là để kiếm tìm hạnh phúc.
Một lần tôi đưa lên Facebook câu hỏi: một người phụ nữ rất muốn bỏ chồng nhưng phụ thuộc kinh tế nên không bỏ được, vậy cô ấy đáng thương hay đáng trách? Rất nhiều phụ nữ cho là đáng trách, tuy nhiên cũng nhiều phụ nữ cho là không. Có những phụ nữ tự nhận vị trí là đứng sau người đàn ông, không đi kiếm tiền và ở nhà chăm sóc gia đình. Mỗi người có lựa chọn riêng, chúng ta không thể áp đặt.
Nếu là lựa chọn của họ, chúng ta nên tôn trọng. Song với những người muốn được ra ngoài khẳng định mình lại bị chồng, gia đình chồng cản trở ngăn cấm, thì cần làm thế nào?
Không ai cản trở được những người phụ nữ mạnh mẽ. Nếu họ thực sự mong muốn, họ sẽ có cách bước ra. Nếu họ đưa ra nhiều lý do không thể bước ra, thì đơn giản họ chưa đủ mạnh mẽ; hoặc họ không thực tâm muốn bước ra. Tôi luôn tin lý thuyết: muốn làm thì nghĩ giải pháp, không muốn làm thì nghĩ lý do.
Trên thực tế, bóng dáng phụ nữ giữ các vị trí quan trọng trong xã hội vẫn còn ít. Vậy đâu là rào cản chính?
Nhiều người phụ nữ tôi biết rất giỏi, có thể làm rất nhiều thứ, năng lực rất tốt, nhưng khi được đề bạt lên cao hơn hầu hết họ đều từ chối. Trái tim người phụ nữ dành cho gia đình con cái nhiều hơn. Đó chính là một cản trở về vấn đề tâm lý.
Cũng có những người mà sự sĩ diện quá lớn, họ không dám đối diện nguy cơ đổ vỡ hôn nhân dù cuộc hôn nhân đó tồi tệ đến đâu chăng nữa. Thành kiến của xã hội với phụ nữ ly hôn vẫn quá lớn.
Chúng ta luôn bị tác động bởi những định kiến kiểu người giàu thường tệ, con cái cán bộ thì năng lực kém, những cô gái xinh đều là bình hoa di động, nếu ly hôn luôn là lỗi của phụ nữ…
Trong cuộc chiến bình đẳng giới, việc đầu tiên chúng ta cần làm là tháo bỏ những định kiến. Tôi có thể khẳng định hầu hết những phụ nữ thành đạt đều có gia đình hạnh phúc.
Chúng ta có quá nhiều công thức, định kiến trong khi cuộc sống luôn vận động. Nếu không thay đổi, ta sẽ bị tình trạng sống ở thế kỷ 21 nhưng tư duy như thế kỷ… 17.
Đặt trường hợp nếu một ngày vợ anh không thích việc kinh doanh nữa mà muốn theo sự nghiệp chính trị chẳng hạn, anh có khuyến khích chị ấy?
Tôi luôn ủng hộ vợ, nhưng trước đó tôi sẽ phản biện: điều đó có tốt cho gia đình hay không? Nếu điều đó chỉ tốt cho mình cô ấy thì cuộc hôn nhân này sẽ kết thúc. Khi người phụ nữ chỉ nghĩ đến bản thân họ, làm hai quyền lợi xung đột nhau thì gia đình không còn giá trị.
Tôi thấy có mâu thuẫn, một mặt anh cổ vũ phụ nữ sống theo năng lực, nhưng lại sẵn sàng ly hôn nếu vợ tham chính và không cân bằng được gia đình?
Chúng ta đang định kiến rằng phụ nữ là chính trị gia sẽ ít dành thời gian cho gia đình. Nhưng nếu cô ấy thuyết phục được tôi: khi làm một chính trị gia, em sẽ tạo ra những thay đổi mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho chính các con và bao đứa trẻ khác, thời gian bên gia đình có thể ít đi nhưng chúng ta sẽ được bù đắp bằng những quyền lợi khác, thì tôi sẽ ủng hộ.
Cuối cùng, như tôi đã nói, hạnh phúc là trên hết. Khi hai quyền lợi của cá nhân và gia đình không triệt tiêu mà tương hỗ nhau thì không có lý gì tôi không ủng hộ.
Nếu lúc đó tôi vẫn phản đối thì tôi sai, tôi sẽ giống như những người đàn ông thủ cựu cản trở sự phát triển của phụ nữ mà tôi đang phản đối!