Dư luận nghi ngờ về chất lượng giao thông tại Hà Nội khi thành cây cầu Zét tại xã Tốt Động, Chương Mỹ bị nghi vấn là cầu bê tông độn xốp.
Clip ghi lại hình ảnh cây cầu bị nghi ngờ là cầu bê tông độn xốp.
Mặc dù được đầu tư gần 65 tỷ và đang trong quá trình hoàn thiện nhưng cầu Zét ở Chương Mỹ (Hà Nội) đang bị nghi ngờ là cầu bê tông độn xốp.
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Plus, cầu Zét có nhiều vết nứt chạy dài ở các thành cầu và một số chỗ vẫn chưa kịp đổ bê tông, một số đường ống nước chạy ngầm cũng có dấu hiệu bị vỡ tung tóe, trên bề mặt Cầu Zét xuất hiện nhiều chỗ lồi lõm, đá sỏi rơi vãi lộn xộn và nhiều vết nứt chạy dài, lan rộng ra xung quanh.
|
Một vết nứt chạy dài trên thành cầu. |
Đặc biệt, bên trong tường của phía bên thành cầu có hàng chục miếng xốp dày khoảng 2-3cm, xếp thành hàng trước khi được phủ bê tông bên ngoài. Hai bên thành cầu thực tế có nhiều lỗ thủng, vết vỡ to. Bên trong những lỗ này có nhiều miếng xốp được xếp chồng lên nhau, trong khi lớp bê tông phủ xốp ở bên ngoài chỉ dày khoảng 1 - 2 cm.
|
Hình ảnh đáng lo ngại trên cầu Zét. |
Trao đổi với phóng viên, chị Đặng Thanh H., người dân xã Tốt Động cho biết, lúc được tin sẽ xây dựng cây cầu này, chúng tôi rất mừng vì hy vọng sẽ giảm được tình trạng tai nạn và ùn tắc tại đây, nhưng gần đây khi phát hiện nhiều chỗ trên cây cầu dường như được đúc bằng xốp rồi mới phủ bê tông, người dân chúng tôi hoang mang lắm...".
Khi được hỏi tại sao điều này không được phát hiện từ những lúc các đơn vị đang thi công, anh Nguyễn Anh L. cho biết, người ta toàn thi công tối lúc người dân ít qua lại nên không ai phát hiện ra. Nếu đúng toàn bộ cây cầu này làm bằng xốp ở phía dưới như vậy thì thật nguy hiểm cho người dân chúng tôi".
|
Cận cảnh hình ảnh "bê tông độn xốp". |
Nghi ngờ về tính xác thực, Phapluatplus.vn đã trao đổi với một kỹ sư cầu đường để có góc nhìn khách quan, kỹ sư này cho hay: "Thực tế xốp là một loại vật liệu nhẹ cách nhiệt, không chịu lực, dễ vỡ, không dính bám bê tông. Trong xây dựng cầu người ta hay dùng tạo lỗ chờ lan can, lỗ chờ cột điện, lỗ chờ ống thoát nước trong khi đổ bê tông, sau khi đổ bê tông xong người ta sẽ khoét phần xốp đó ra để lắp các cấu kiện vào sau đó đổ bê tông chèn vào mài và hoàn thiện.
Ngoài ra tại những vị trí không thể lắp và tháo ván khuôn ra được thì nguời ta có thể dùng tấm xốp làm ván khuôn đổ chết luôn như dầm ngang liên kết đầu dầm phần tiếp giáp với tường ngực mố cầu... nhưng trong quá trình thi công vì lý do nào đó họ chưa kịp thi công hoàn thiện ví dụ như tạm dừng thi công do thiếu vốn hay giải phóng mặt bằng...".
Ở diễn biến khác, theo nguồn tin của Phapluatplus.vn thì 11h sáng nay (8/9) Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ có cuộc kiểm tra thực tế cây cầu Zét này.
Được biết, cầu Zét là cây cầu được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, xuống cấp nghiêm trọng, nên tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 5917/QĐ-UBND, cấp phép đối với hoạt động liên quan đến đê điều cho Ban Quản lý dự án Giao thông 2 (Sở Giao thông Vận tải) xây dựng cầu Zét qua sông Bùi, thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ.
|
Một lớp xốp rất dày được đúc bên trong lớp xi măng mỏng dính. |
Vị trí xây dựng cầu Zét tương ứng K8+350 đê tả Bùi, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ với quy mô dài 107,3m, rộng 10m gồm 3 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Dù chưa hoàn thiện một số hạng mục nhưng do nhu cầu đi lại nên người dân hàng ngày vẫn di chuyển trên cầu Zét.
|
Toàn cảnh cây cầu Zét. |
Trước đó, dư luận cũng đã xôn xao vì hạng mục cầu vượt đường sắt tại Km0+938,29 thuộc dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được phản ánh "bê tông làm bằng cát và xốp".
Sau đó, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, UBND huyện Thanh Oai đi kiểm tra hiện trường, xác minh vụ việc.
Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội khẳng định: "Một số hình ảnh báo chí đã đăng tải có lớp xốp dưới lớp gạch lát hè là tại các vị trí cạnh cột đèn chiếu sáng trên cầu (24 vị trí). Việc này không ảnh hưởng đến kết cấu mặt cầu và thực tế không có việc đổ bê tông bằng xốp".
Dự án đường trục phía Nam nối từ quận Hà Đông đi qua các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm hình thành tuyến đường mới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm lưu lượng người tham gia giao thông cho các quốc lộ 21B, quốc lộ 1A cũ… Tuy nhiên đã nhiều năm dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Phapluatplus.vn sẽ tiếp tục thông tin.