Dự án xây dựng cơ sở 2 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng bị thu hồi bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhà trường đầu tư vào dự án nguồn kinh phí lớn nhưng việc xem xét bồi thường khi dự án bị thu hồi không thoả đáng. Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xét lại, nên có những chính sách thấu tình đạt lý để hài hòa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho Nhà trường.
|
Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã cải tạo mặt bằng và xây dựng một số hạng mục công trình, cảnh quan... ước tính chi phí khoảng hơn 30 tỷ đồng |
Dự án bị thu hồi vì chậm triển khai
Trước đó, như Báo PLVN đã phản ánh, năm 2010, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Nhà trường) được giao cho thuê 12ha đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 (Dự án) ở xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy. Nhà trường bước đầu đã đầu tư san lấp, làm hạ tầng dự án, các công trình trường học, khu thực nghiệm, tường rào toàn bộ dự án... với chi phí ước khoảng hơn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2012-2019, do thay đổi về cơ chế chính sách, Nhà trường chưa hoàn thành, kiện toàn được bộ máy lãnh đạo dẫn tới dự án chưa thể tiếp tục triển khai nên bị cơ quan chức năng “tuýt còi” và cho gia hạn thêm.
Năm 2020, dịch Covid 19 bùng phát khiến việc triển khai Dự án tiếp tục bị đình trệ, đến năm 2022, thì bị cơ thu hồi mà không được bồi thường đền bù các giá trị tôn tạo đầu tư ban đầu.
Trước đó, để thực hiện dự án, năm 2009, Nhà trường đã ứng ra số tiền 12,9 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng chỉ được công nhận số tiền 6,8 tỷ đồng bồi thường về đất, để khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm, còn lại hơn 5,4 tỷ đồng hỗ trợ GPMB không được tính. Đồng thời, Nhà trường cũng kiến nghị về việc chưa áp dụng các chính sách phù hợp dẫn tới việc bị tính giá thuê đất 5 năm đầu là hơn 300 triệu/1 năm, sau đó là hơn 1 tỷ đồng/1 năm là chưa phù hợp... với chính sách xã hội hóa giáo dục.
Từ những nội dung trên, Nhà Trường đã nhiều năm liên tiếp có phản ánh, kiến nghị tới cơ quan chức năng xem xét giải quyết, có cơ chế chính sách phù hợp.
Không có cơ sở xem xét, giải quyết!?
Trước những kiến nghị, đề nghị xem xét của Nhà trường, cơ quan có thẩm quyền cũng có nhiều nội dung thông báo “không thụ lý giải quyết khiếu nại”, với nhiều lý do, trong đó, có trường hợp đã hết thời hiệu khiếu nại...
Cụ thể, tại văn bản số 842/UBND-TCD, ngày 15/04/2024, trả lời những kiến nghị của Nhà trường, UBND TP Hải Phòng khẳng định, Nhà trường chưa đưa đất vào sử dụng và chưa xây dựng các công trình theo đúng dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, thuộc trường hợp thu hồi đất do vi phạm quy định của Luật Đất đai nên không được bồi thường về đất và tài sản trên đất. Nhà đầu tư mới đã có văn bản tự nguyện hỗ trợ số Nhà trường số tiền 7 tỷ đồng.
Đối với nội dung xem xét miễn tiền thuê đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, do dự án vi phạm Luật Đất đai, đồng thời, Nhà trường không làm các thủ tục xin miễn tiền thuê đất ngay sau khi được thuê đất. Khi Nhà trường đề nghị thì đã sau nhiều năm và dự án chưa triển khai thực hiện, do đó không được miễn tiền thuê đất. Đến nay, Hải Phòng chưa ban hành quyết định, quy định cụ thể về chính sách xã hội hóa với lĩnh vực giáo dục.
Ngoài ra, tại văn bản số 2035/STNMT-CCQLĐĐ ngày 1/6/2022, sở TN&MT Hải Phòng cho rằng, Nhà trường đã chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng liên tục, chậm tiến độ sử đụng đất quá 24 tháng, không thuộc các trường hợp bất khả kháng.
Do vậy, UBND TP Hải Phòng nhiều lần từ chối xem xét giải quyết những kiến nghị của Nhà trường.
|
Khách sạn sinh viên thuộc cơ sở 1 của Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng từng là cơ sở cách ly tập trung trong dịch COVID 19 |
Cơ quan có thẩm quyền “vội vàng” thu hồi dự án?
Về việc này, luật sư Hoàng Dương - Văn phòng Luật TNHH Hoàng Thành cho rằng, có thể thấy, sau khi thực hiện xong công tác GPMB, Nhà trường đã thực hiện các bước đầu tư ban đầu để tôn tạo đất, xây dựng một số hạng mục công trình nhất định. Vì thế, cơ quan thẩm quyền cho rằng Nhà trường chậm đưa đất vào sử dụng (theo điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai 2013) từ đó thu hồi là có thể chưa đúng quy định Luật Đất đai và các nghị định, văn bản hướng dẫn.
Đặc biệt, việc thu hồi dự án mà không xét đến yếu tố bất khả kháng là dịch bệnh COVID-19 (từ 23/01/2020 đến 15/10/2021, Theo Quyết định của Thủ tướng CP), để khấu trừ, gia hạn thêm thời gian là thiệt thòi cho Nhà trường.
Do đó, luật sư Dương nhận định, có vẻ cơ quan có thẩm quyền dường như đã quá “vội vàng” thu hồi dự án mà không xét đến các yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch bệnh như nêu trên đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Nhà trường.
Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai”. |
Về vấn đề miễn giảm tiền thuê đất, các văn bản của UBND TP Hải Phòng đều ghi nhận Nhà trường thuê đất để xây dựng công trình giáo dục. Căn cứ giai đoạn từ năm 2010 đến ngày 01/07/2014 (trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực pháp luật), Nhà trường thực hiện dự án xây dựng công trình giáo dục thì được hưởng chính sách là: “Ký hợp đồng thuê đất và không phải nộp tiền thuê đất”, quy định tại Luật Đất đai 2003, Điều 1 và Điều 6, Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/05/2008.
Nên cơ quan có thẩm quyền tính tiền thuê đất cho Nhà trường phải nộp với số tiền hơn 300 triệu đồng/01 năm trong thời gian 05 năm (2010 - 2015) có thể là trái quy định pháp luật. Trong giai đoạn tiếp theo, Nhà trường đáng lý phải tiếp tục được hưởng các chính sách miễn giảm đối với đất giáo dục theo các quy định của pháp luật.
Về khoản tiền hơn 5,4 tỷ đồng là khoản hỗ trợ GPMB, trong phương án bồi thường được cơ quan chức năng phê duyệt, vì thế, cần làm rõ khoản tiền này đã được thực chi như thế nào? Để tránh thiệt thòi cho Nhà trường và ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định pháp luật (tại Nghị định 46, Khoản 5, Điều 6, Thông tư số 77/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 46/2014/NĐ-CP), thì cơ quan thẩm quyền có thể áp dụng chưa đúng nên dẫn tới tính sai tiền thuê đất, tiền khấu trừ từ GPMB.
Ngoài ra, cũng cần có thể xét đến yếu tố cơ quan chức năng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất giáo dục sang đất ở nông thôn; bán đấu giá đất thu hồi khi chưa giải quyết xong các vấn đề tài sản với người bị thu hồi đất...
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền nên xét tính lại những yếu tố trên, đồng thời, cần có những cơ chế để đảm bảo quyền và lợi ích cho Nhà trường được thấu tình đạt lý.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.