Dự án xây dựng cơ sở 2 của trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng bị thu hồi mà không được xem xét các yếu tố khách quan dịch bệnh, miễn giảm tiền thuê đất và bồi thường giá trị đầu tư trên đất..; dẫn đến việc xem xét giải quyết bồi thường không thoả đáng, khiến Nhà trường lâm cảnh “mất cả chì lẫn chài”, có đơn kêu cứu đề nghị xem xét lại theo hướng làm rõ, giải quyết đúng và đủ quyền lợi ích hợp pháp cho mình.
|
Dự án xây dựng cơ sở 2 Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi |
Bị thu hồi dự án vì... chậm triển khai
Báo PLVN nhận được đơn của GS, TS, NGƯT, Trần Hữu Nghị, 86 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (Nhà trường) kiến nghị, UBND TP Hải Phòng cần xem xét lại, có chính sách thỏa đáng trong thu hồi 1ha đất Dự án xây dựng cơ sở 2 (Dự án) của nhà trường, tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy.
Theo đó, năm 2010, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng (tiền thân là Trường Dân lập Hải Phòng, cơ sở 1, tại số 36 đường Dân Lập, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) được UBND TP Hải Phòng giao cho thuê diện tích đất nêu trên để thực hiện Dự án.
Bước đầu, Nhà trường đã tiến hành san lấp, tôn tạo mặt bằng, xây dựng tường bao quanh, hồ xử lý nước thải, khu công nghệ cao diện tích 1000m2, trồng 15 nghìn cây xanh, tổng chi phí trên 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó, thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Nhà trường phải chờ đợi 7 năm để được hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục thay đổi loại hình từ dân lập sang tư thục. Trong thời gian này, Nhà trường chỉ có Hội đồng quản trị lâm thời nên không có tư cách pháp nhân chính thức để thực hiện Dự án.
Cùng thời điểm đó, qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã “tuýt còi” Dự án vì lý do chậm đưa đất vào sử dụng. Đến ngày 28/10/2019, UBND TP Hải Phòng có Quyết định 2590/QĐ-UBND về việc gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng đối với Dự án nêu trên. Tại thời điểm này, Nhà trường vẫn chưa được UBND TP Hải Phòng công nhận Hội đồng quản trị nên tiếp tục có đơn xin gia hạn mốc thời gian.
Mặt khác, đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn quốc, cơ sở 1 Nhà trường cũng trở thành một địa điểm cách ly dịch bệnh (2020 -2021). Do vậy, mọi hoạt động của Nhà trường phải tạm dừng, trong đó có cả việc chuẩn bị các bước thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, “đến hẹn”, UBND TP Hải Phòng vẫn ra Quyết định số 315/QĐ-UBND, ngày 25/01/2022 thu hồi đất Dự án của Nhà trường để bán đấu giá mà không xem xét đến các yếu tố khách quan hoặc bồi thường tài sản trên đất và các giá trị tôn tạo khác cho Nhà trường.
“Mất cả chì lẫn chài”!
Một vấn đề khác, để thực hiện Dự án, năm 2009, Nhà trường đã ứng số tiền 12,9 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thể hiện tại Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, GPMB số 1075/QD-UBND ngày 27/08/2009, của UBND huyện Kiến Thụy.
Số tiền này được giải trình tại Tờ trình đề nghị duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tổng thể Dự án (số 07/TTr-LCQ, UBND huyện Kiến Thụy) cụ thể như sau: Bồi thường đất là 6,6 tỷ đồng; các khoản hỗ trợ là hơn 5,4 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề, ổn định cuộc sống, bổ sung về mức giá đất nông nghiệp và chi phí đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh...và một khoản thưởng bàn giao đúng tiến độ hơn 100 triệu đồng); Bồi thường cây trồng, vật nuôi; Chuyển về ngân sách huyện Kiến Thụy quản lý số tiền ngân sách được hưởng hơn 200 triệu đồng; Chi phí hành chính phục vụ công tác bồi thường là hơn 250 triệu đồng.
|
Trong tờ trình và quyết định phê duyệt phương án BTBPMB đều thể hiện "các khoản hỗ trợ" là một phần kinh phí đã được cơ quan chức năng công nhận |
Tại văn bản số 2134/STC-GCS của Sở Tài chính, ngày 30/12/2015 xác định, viện dẫn, tại ý 1, điểm a, khoản 2, Điều 3, Nghị định 121/2010/ND-CP ngày 30/10/2010 của Chính phủ quy định: Trường hợp nhà đầu tư thực hiện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án đã được phê duyệt theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trước ngày 1/10/2009 thì được trừ chi phí bồi thường, hỗ trợ đất vào tiền thuê đất phải nộp, mức được trừ không vượt quá số tiền thuê đất phải nộp.
Tuy nhiên, căn cứ theo hồ sơ, phương án và hỗ trợ bồi thường GPMB của Nhà trường trước thời điểm Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 có hiệu lực. Do vậy, tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB được trừ vào tiền thuê đất hàng năm gồm tiền đã bồi thường về đất; hỗ trợ về đất đối với diện tích phải nộp tiền thuê đất.
Do đó, Nhà trường chỉ được công nhận khấu trừ số tiền hơn 6,8 tỷ đồng bồi thường về đất, còn lại hơn 5,4 tỷ đồng được cơ quan chức năng xác định là khoản “hỗ trợ và thưởng” nên không được xem xét.
Đã vậy, dù là cơ sở giáo dục nhưng Nhà trường còn không được miễn giảm tiền thuê đất theo quy định. Theo đó, 5 năm đầu tiên Nhà trường phải nộp là hơn 300 triệu đồng/năm, những năm tiếp theo là hơn 1,2 tỷ đồng/năm.
“Chúng tôi thấy việc này hết sức “bất công” bởi theo các quy định của pháp luật thì Nhà trường thuộc diện được miễn tiền thuê đất”, đại diện nhà trường cho biết.
Mặc dù trước đó, ngay từ khi ký hợp đồng thuê đất Nhà trường đã có nhiều văn bản đề nghị miễn tiền thuê đất tới UBND TP Hải Phòng nhưng không được hướng dẫn, xem xét giải quyết dứt điểm...
Như vậy, với cách tính, áp giá thuê đất; khấu trừ tiền ứng trước GPMB; không được bồi thường, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số hạng mục trước kia thì Nhà trường đang cho rằng đã “mất cả chì lẫn chài” trong dự án xây dựng này.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, Nhà trường đã liên tục có nhiều văn bản kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền, đề nghị xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn không tìm được “lời giải” thỏa đáng.
(Đón đọc Bài 2: Cần có những chính sách thấu tình đạt lý)