Ngày 18/10, Bộ GTVT báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đó, đối với vận tải đường bộ, tổng hợp kết quả thực hiện từ ngày 13 đến ngày 18/10/2021 cho thấy, 48 địa phương đã được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô, 15 địa phương Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến, 38 địa phương đã tổ chức khai thác với tổng số tuyến đăng ký là 793, số tuyến thực chạy là 588, số chuyến đăng ký hoạt động/ngày là 1970, số chuyến hoạt động thực tế là 1037, số xe hoạt động là 944, số khách vận chuyển là 5641.
Đối với vận tải hàng không, kết quả 8 ngày triển khai thực hiện (từ 10 - 17/10/2021) cho thấy, 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã thực hiện khai thác 17 đường bay/21 đường bay theo kế hoạch) đi/đến 17/22 cảng hàng không4 với 193 chuyến bay/tổng số 322 chuyến bay theo kế hoạch đạt tỷ lệ xấp xỉ 60%. Tổng số 12.905 hành khách được vận chuyển (Vietnam Airlines 49,0%, Vietjet Air 32,5%, Bamboo Airways 15,6% và Pacific Airlines 2,9%).
Đối với vận tải đường sắt, ổng công ty ĐSVN và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đã tổ chức chạy tàu trên tuyến Hà Nội – TP HCM 2 đôi tàu/ngày đêm. Bình quân 1 chuyến có 603 hành khách/chuyến tàu. Tổng cộng đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 16 chuyến tàu với 9.651 hành khách, tuyến Hà Nội - Hải Phòng 1 đôi/ngày đêm. Bình quân 1 chuyến tàu có 126 hành khách/chuyến tàu. Tổng cộng đến ngày 17/10 đã tổ chức chạy 10 chuyến tàu với 1263 hành khách. Tính đến thời điểm ngày 18/10/2021 chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với COVID-19.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời, Bộ GTVT nhận thấy có một số vướng mắc nhất định. Cụ thể, đối với vận tải đường bộ, yêu cầu đối với lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vắc xin là khó thực hiện, bởi vì thực tế lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vắc xin, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC - COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền) còn thấp. Tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng, mặt khác nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương.
Trong thời gian hoạt động thí điểm và trong quá trình khai thác tuyến, việc kiểm soát hành khách lên xuống xe dọc đường còn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện vận tải còn tồn tại tình trạng đón, trả khách dọc đường, không đúng tại các điểm dừng nghỉ hoặc việc kiểm soát ra/vào đối với phương tiện vận tải hành khách từng địa phương có các quy định chưa thống nhất.
Đối với vận tải hàng không, tỷ lệ chuyến bay đã thực hiện còn thấp (49%) do nhiều chuyến bay số lượng khách đặt chỗ rất thấp, thậm chí không có khách. Nguyên nhân do hãng hàng không chỉ có thể triển khai mở bán trên hệ thống kèm các điều kiện vận chuyển hành khách sau khi có các văn bản chính thức của Bộ GTVT, Cục HKVN nên trong 2 ngày đầu (10-11/10/2021), nhiều hành khách chưa kịp tiếp cận thông tin có chuyến bay, không kịp lập kế hoạch để di chuyển.
Nhiều đường bay có nhu cầu thấp nên hãng hàng không chưa thể khai thác hoặc hạn chế khai thác như Thanh Hóa – Lâm Đồng, TP HCM – Cà Mau, Đà Nẵng – Cần Thơ, TP HCM – Rạch Giá, Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột… trong khi các đường bay đi/đến các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An còn bị hạn chế, đặc biệt đường bay trục Hà Nội – Đà Nẵng – TP HCM chỉ được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày, không đáp ứng nhu cầu hành khách giai đoạn hiện tại chủ yếu là khách được về địa phương sau giãn cách và chuyên gia, nhà đầu tư cần đi lại giữa 3 trung tâm để nối lại hoạt động kinh tế, đầu tư.
Quy định về phòng, chống dịch của một số địa phương chỉ được nới lỏng việc hạn chế sau 2 đến 3 ngày đầu tiên nên nhiều hành khách chưa thể đáp ứng yêu cầu khi đến địa phương. Tỷ lệ tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 tại nhiều địa phương (ngoài Hà Nội, TP HCM) còn thấp nên hành khách không thể đáp ứng điều kiện về tiêm đủ liều. Bên cạnh đó, nhiều nhóm gia đình có trẻ em dưới 18 tuổi chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (theo quy định của
Việc giãn cách ghế trên tàu bay không có nhiều tác dụng về phòng, chống dịch nhưng ảnh hưởng lớn tới doanh thu chuyến bay nên hãng hàng không phải cân nhắc việc thực hiện chuyến bay.
Thời gian tới, vận tải đường bộ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021.
Đối với vận tải hàng không, các hãng hàng không chỉ tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa): có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Trường hợp hành khách khác cần đáp ứng một trong ba điều kiện: Người có chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Người có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy ra viện không quá 6 tháng tính đến thời điểm khởi hành chuyến bay; Người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ trước thời điểm khởi hành chuyến bay.
Tags: