Đây là quan điểm được đưa ra tại phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN)” ngày 4/5.
Chính phủ giao nhiệm vụ đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới cho Bộ Công Thương
Năm 2017, theo khoản 19 Điều 1 Nghị định 106/2017/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP) , Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng quy định quản lý TLĐT để trình Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ này còn được đề cập trong các văn bản khác như Công văn 4861 ngày 17/6/2000 về quản lý thuốc lá làm nóng (TLLN) (hay còn được gọi là TLNN) tại Việt Nam và nội dung trong một số văn bản chỉ đạo khác.
Trong phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định cơ sở pháp lý quản lý TLLN: “Chúng tôi đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng (Ảnh: quochoi.vn). |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho rằng: “Vấn đề phân cấp nguyên liệu thuốc lá, mua bán, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, hoặc kinh doanh các loại hàng hóa trên thị trường, đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương”.
Ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên Cao cấp Văn phòng Chính phủ, từng nhấn mạnh trong một tọa đàm năm 2023 rằng, việc nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm này thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Đồng thời, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng khi “trên thế giới đã có 185 quốc gia có chính sách quản lý thuốc lá mới”.
Với vai trò thẩm định, Bộ Tư pháp đã xem xét kỹ lưỡng phương án sửa đổi Nghị định 67 do Bộ Công Thương soạn thảo trước khi trình Chính phủ. Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng: “Theo định nghĩa tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), TLLN chính là sản phẩm thuốc lá. Luật Đầu tư có quy định thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Đây là các cơ sở pháp lý có thể tận dụng, việc thực thi còn lại là trách nhiệm của Bộ Công Thương”.
Đề xuất thí điểm lưu hành thuốc lá làm nóng, nghiên cứu thêm thuốc lá điện tử
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, cơ sở để Bộ Công Thương đề nghị quản lý TLLN theo Luật PCTHTL là bởi vì điếu TLLN “có tính chất là nguyên liệu thuốc lá và có các chất của thuốc lá nên vẫn là thuộc khái niệm thuốc lá theo Luật này”.
Dù vậy, bước đầu Bộ Công Thương vẫn đề xuất chính sách thận trọng trong quản lý mặt hàng này. Cụ thể, Bộ chỉ kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm sản xuất, nhập khẩu và lưu thông TLLN như thuốc lá truyền thống trong 2 năm theo Luật PCTHTL. Bộ Công Thương sẽ xây dựng cơ chế thí điểm dựa trên ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành. Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành TLĐT tại Việt Nam, sẽ phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu thêm.
Theo Bộ Công Thương, phương án này cũng tiệm cận với ý kiến của Bộ Y tế, hướng đến đảm bảo “an toàn sức khỏe người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa các chủ thể liên quan và phù hợp thông lệ quốc tế”, đồng thời tuân thủ Hiến pháp, Luật Đầu tư và các quy định liên quan cũng như Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá.
FDA Hoa Kỳ chỉ cấp phép lưu hành cho 1 loại TLLN đầu tiên sau kiểm nghiệm khoa học chặt chẽ (Nguồn: FDA). |
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng cho biết, một số đề tài nghiên cứu ở cấp bộ của Bộ Công Thương từ năm 2020 đã có tham khảo đánh giá khoa học từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đối với TLLN.
Có thể thấy, việc quản lý thuốc lá mới bước đầu đạt điểm chung về hướng tiếp cận giữa Bộ Công Thương và Bộ Y tế trong việc xác định TLLN và chưa cho phép lưu hành TLĐT.
Cũng trong phiên giải trình nói trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu rõ, cần nhận diện đúng về TLĐT, TLLN, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này. Đồng thời, đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của các sản phẩm này.
Phiên giải trình ngày 4/5 cũng cho thấy, Chính phủ sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện tác hại của TLĐT, TLLN. Vì vậy, các Bộ cần sớm trình ý kiến thống nhất để tham mưu Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất.
Tại phiên giải trình ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ Thị Bích Ngọc đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết quản lý thuốc lá mới nhằm đạt được 4 mục tiêu: - Quản lý và phòng chống tác hại của mọi loại thuốc lá - Tất cả các sản phẩm thuốc lá (sản xuất từ nguyên liệu thuốc lá) sẽ được quản lý như nhau, không có sự phân biệt đối xử. - Tuân thủ các cam kết quốc tế, vì những cam kết này chỉ hạn chế quyền phân phối thuốc lá, xì gà của nhà đầu tư nước ngoài chứ không hạn chế sản xuất. - Có thể áp dụng đồng bộ quy định của Luật Đầu tư, Luật PCTHTL mà chưa cần phải sửa luật ngay. |