Hai xe tông nhau, sau đó tài xế tự ý dời xe vào lề để tránh gây ùn tắc giao thông trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến giải quyết, như vậy có vi phạm pháp luật?
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 73/2020/TT-BCA quy định về giải quyết ban đầu khi cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được phân công đến hiện trường vụ tai nạn giao thông, trong đó:
Một trong những nhiệm vụ mà cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phát hiện vụ tai nạn giao thông hoặc được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường phải thực hiện là tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc:
- Trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông thì phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh, ghi hình phương tiện và vị trí phương tiện rồi nhanh chóng đưa phương tiện vào vị trí thích hợp để bảo vệ (trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA);
- Trường hợp vụ tai nạn giao thông đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa.
Như vậy, trách nhiệm di chuyển phương tiện để bảo vệ cũng như tránh ùn tắc giao thông là thuộc về cán bộ CSGT, người bị tai nạn, người dân phải giữ nguyên hiện trường để lực lượng chức năng xử lý. Như vậy khi bị tai nạn giao thông mà tài xế tự ý dẫn xe vào lề chờ CSGT để không bị kẹt xe là sai quy định.
|
Tài xế tự ý dẫn xe vào lề chờ CSGT để không bị kẹt xe là sai quy định. |
Bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường bị phạt bao nhiêu?
(1) Đối với xe ô tô
Theo khoản 2, khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
(2) Đối với xe máy
Theo khoản 3, khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi dưới đây.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
(3) Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Theo khoản 3, khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là xe) như sau:
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm dưới đây.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 05 tháng đến 07 tháng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
(4) Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện)
Theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
Như vậy, tùy theo loại phương tiện đang điều khiển mà người bị tai nạn giao thông mà không giữ nguyên hiện trường sẽ bị phạt từ 400 nghìn (đối với xe đạp) - 18 triệu (đối với ô tô).