Bệnh Bạch Hầu và những điều cần biết. |
Bệnh bạch hầu là một bệnh khá phổ biến và nguy hiểm. Trước đây, bệnh do trực khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae (hay còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên, đây là một bệnh lây qua đường hô hấp, vì thế có thể gây thành dịch, bệnh nhân mắc bệnh và tử vong do cơ chế nhiễm trùng nhiễm độc của vi khuẩn.
Nguyên nhân gây ra bệnh Bạch hầu
Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram (+), có tên khoa học là Corynebacterium diphtheria tồn tại dưới 3 dạng gồm: Gravis, Mitis và Intermedius. Khi nhìn qua kính hiển vi có hình chùy, kích thước dài và rộng lần lượt là 1-9 µm và 0,3 - 0,8 µm, tế bào vi khuẩn không có vỏ, không di động và không tạo nha bào. Vi khuẩn bạch hầu phát triển tốt trong môi trường thông thoáng. Đặc biệt, chúng phát triển nhanh trong môi trường có máu và huyết thanh.
Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae dưới kính hiển vi |
Khả năng tổn tại của vi khuẩn trong các môi trường khác nhau cũng có sự khác nhau: Trong giả mạc vùng hầu họng của bệnh nhân, vi khuẩn tồn tại được khá lâu.
Ở ngoài môi trường, nếu sống ở điều kiện thiếu sáng, vi khuẩn có thể tồn tại đến 6 tháng trên các vật dụng như đồ chơi của trẻ hay áo choàng của nhân viên y tế.
Vi khuẩn bạch hầu không tồn tại được lâu dưới ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng mặt trời, chúng sẽ chết ở nhiệt độ 58oC trong vòng 10 phút, và bị tiêu diệt sau khoảng vài giờ dưới ánh sáng mặt trời.
Biểu hiện và biến chứng của bệnh Bạch hầu
Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn. Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà, dày dai, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng, dễ chảy máu.
Đây là một trong những triệu chứng phổ biến, dễ nhận biết của bệnh. Bệnh có thể điều trị qua khỏi hoặc có thể gây tử vong chỉ trong 6 - 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh trung bình khoảng 5 - 10%.
Ở một số người, nhiễm vi khuẩn bạch hầu chỉ gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nào cả.
Những người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn không biết về căn bệnh của mình được gọi là người mang bệnh bạch hầu (carriers of diphtheria), bởi vì họ có thể lây truyền bệnh cho cộng động mà không có triệu chứng bị bệnh.
Nếu không được điều trị, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm như: tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê liệt, liệt màng khẩu cái (màn hầu), mất kiểm soát bàng quang, tê liệt cơ hoành, nhiễm trùng phổi, thậm chí tử vong.
Biểu hiện, biến chứng, cách điều trị bệnh Bạch hầu. |
Đường lây truyền bệnh Bạch hầu
Thông thường virus Corynebacterium diphtheriae lây lan qua 3 đường:
Thông qua giọt nước trong không khí: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải Corynebacterium diphtheriae. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh: Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng…
Đồ gia dụng bị ô nhiễm: Một số trường hợp hiếm hơn khi bị lây nhiễm bệnh bạch hầu thông qua các vật dụng dùng chung trong gia đình, chẳng hạn như khăn hoặc đồ chơi.
Ngoài ra, người khỏe cũng có thể tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu khi chạm vào vết thương bị nhiễm trùng. Những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho những người khỏe mạnh trong vòng 6 tuần - ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh Bạch hầu
Bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển bệnh vẫn gây nguy hiểm tới tim, thận và hệ thần kinh bất cứ lúc nào, do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc hiện đại để nhanh phục hồi và giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho con tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện các mũi tiêm nhắc lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì lúc này khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm theo thời gian. Phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Đồng thời, cần phải iữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Đối với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tags: