Nguy cơ xảy ra TNGT tại bến phà Hồng Vân (Hà Nội) dù được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng tính mạng của hành khách dường như vẫn đang bị coi thường.
Ngày 4/4/2016, Pháp Luật Plus đăng tải bài viết Bến phà Hồng Vân (Hà Nội): Vẫn vô tư "giỡn mặt"... Hà Bá phản ánh về tình trạng nguy cơ mất an toàn và vi phạm liên quan đến vận tải hành khách trên mỗi chuyến phà tại bến phà Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội).
|
Công văn số 2862/VP-XDGT của UBND TP Hà Nội. |
Ngày 15/4, UBND TP Hà Nội ra công văn số 2862/VP-XDGT do ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, giao Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, khảo sát xử lý dứt điểm các vi phạm và có văn bản trả lời Pháp Luật Plus theo quy định, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 4/2016.
Hơn 2 tháng trôi qua, Pháp Luật Plus chưa nhận được bất kỳ công văn phúc đáp, trả lời nào của Sở GTVT Hà Nội cũng như UBND TP Hà Nội.
Những ngày đầu tháng 6, phóng viên Pháp Luật Plus có dịp quay trở lại bến phà này, điều đáng ngạc nhiên là dù UBND TP Hà Nội đã có công văn giao Sở GTVT kiểm tra, khảo sát xử lý dứt điểm vi phạm và có văn bản trả lời Pháp Luật Plus trong tháng 4 nhưng tình trạng vi phạm tại đây vẫn không mấy thay đổi so với thời điểm trước khi có công văn số 2862/VP-XDGT của UBND TP Hà Nội.
|
Các chuyến phà luôn đông nghịt người và phương tiện. |
Theo quan sát của phóng viên, những chiếc áo phao mà trước đó được cho là hư hỏng và xếp gọn trên nóc phà thì nay đã được chủ phà treo ra cạnh 2 bên mạn phà nhưng lại được buộc cố định, khi cần dùng đến phải mất một khoảng thời gian nhất định để tháo ra.
Đáng quan ngại hơn, những chuyến phà chở quá tải cả người và phương tiện vẫn ngang nhiên diễn ra bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy. Trên mỗi chuyến phà qua sông vẫn chở từ 3 đến 4 chiếc ô tô trở lên. Tấm biển ghi tải trọng 48N/2 oto thì vẫn còn đó nhưng dường như chỉ được treo cho có lệ.
Có mặt trực tiếp trên 1 chuyến phà như vậy, phóng viên ghi nhận có 3 chiếc ô tô, tải trọng chiếc lớn nhất là 3,5 tấn được chở đầy dứa và khoảng gần 20 chiếc xe máy. Khi chuyến phà này vừa nổ máy để quay đầu sang sông thì có lẽ vì tải trọng quá lớn nên bất ngờ bị chết máy và thả trôi theo dòng nước khoảng 3-4 phút, tình huống này khiến cho các hành khách đi phà một phen nhốn nháo, hốt hoảng.
|
Hành khách nhốn nháo khi phà chết máy. |
Bến phà Hồng Vân nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng chừng 20km, nối liền địa phận huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với huyện Thường Tín, Hà Nội.
Hàng ngày có hàng trăm lượt người qua lại bến phà này, thế nhưng tính mạng của họ đang bị các chủ bến phà coi nhẹ khi hàng chục con người trên mỗi chuyến phà đều không được trang bị áo phao cứu sinh đúng nghĩa bảo đảm an toàn.
Không chỉ thế, hàng loạt các sai phạm liên quan đến vận tải hành khách vẫn ngang nhiên diễn ra ở đây dù không ít lần đã được các cơ quan báo chí phản ảnh, cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.
Pháp Luật Plus đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc Sở GTVT Hà Nội, Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội, lực lượng CSGT CAH Thường Tín và các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm tại bến phà Hồng Vân, lập lại an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên sông Hồng.
Thời gian vừa qua, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nội địa trong cả nước đang ở mức báo động. Gần nhất, khoảng 20h25’ ngày 4/6, khi đang chở khách du ngoạn sông Hàn (Đà Nẵng) thì tàu Thảo Vân 2 mang số hiệu ĐNa-0016 bất ngờ chao đảo. Chỉ chưa đầy 5 phút, con tàu nghiêng rồi chìm dần dưới dòng nước xoáy. Hơn 50 hành khách trên tàu rơi xuống dòng sông trong tiếng la hét hoảng loạn. Đến chiều 5/6, thi thể của cả ba nạn nhân xấu số, gồm ông Phạm Tấn Cường (46 tuổi, quê Bình Định) và hai chị em ruột Trịnh Kim Phượng (7 tuổi), Trịnh Tín Huy (4 tuổi, quê Bắc Kạn) đã được tìm thấy trong tiếng gào khóc người thân, sự xót thương của hàng nghìn người dân Đà Nẵng. Nguyên nhân chính của vụ tai nạn thương tâm, gây rúng động dư luận này được xác định do con tàu chở gần gấp đôi số người quy định lật nghiêng trên sông Hàn rồi chìm trong ít phút. |