Cao nguyên đá Đồng Văn mới đây đã lần thứ 3 nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. (Ảnh: Hagiangtv). |
Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước
Ngoại giao văn hóa là 1 trong 3 trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đây là sự kế tiếp của Chiến lược ngoại giao văn hóa từ 2011 - 2020, đồng thời có một số nội dung mới.
Triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa này, thời gian qua, các hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao, quảng bá hình ảnh của đất nước, các địa phương và con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa, chúng ta cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, bạn bè quốc tế.
Trả lời chất vấn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, ở cấp độ quốc tế, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). “Trong UNESCO hiện có 7 cơ chế quan trọng nhất thì Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí, trong đó chúng ta mới đây đã được bầu vào Ủy ban Di sản thế giới với số phiếu cao. Đây là một cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa”, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.
Ở cấp độ quốc gia, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã giúp tạo những dấu ấn rất quan trọng, thân thiện. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn chứng, những hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao thời gian qua được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Điển hình là những hoạt động, hình ảnh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng uống trà với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; hay Thủ tướng Phạm Minh Chính giao lưu, uống cà phê với Thủ tướng Belarus… Qua đó, chúng ta truyền bá được những hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hữu nghị; đồng thời cũng đưa những hình ảnh về ẩm thực của Việt Nam ra thế giới với bạn bè quốc tế.
Ở cấp độ địa phương, trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của địa phương mình. Những lễ hội như: Lễ hội xòe Thái, Lễ hội bắn pháo hoa, Lễ hội cà phê ở Buôn Mê Thuột… được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho hay, trong 3 năm qua, ngành Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành vận động thành công thêm 16 danh hiệu được UNESCO công nhận, đưa tổng số các di sản, địa danh và danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận lên thành 67, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn được UNESCO công nhận.
Nâng tầm văn hóa Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Các hoạt động hỗ trợ các địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO công nhận, qua đó nâng tầm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận tại các địa phương là tại Hà Giang, Cao Bằng và Đắk Nông. Một số địa phương, trong đó có tỉnh Lạng Sơn cũng đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu.
Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các di sản văn hóa nói riêng và danh hiệu UNESCO nói chung được cộng đồng quốc tế công nhận không chỉ là tài sản quý báu, phản ánh đậm nét bản sắc văn hóa của quốc gia, dân tộc Việt Nam; mà còn có giá trị toàn cầu. Việc quảng bá hình ảnh về các di sản này vừa giúp phát huy được “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, dân tộc trên trường quốc tế; vừa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, để đẩy mạnh công tác hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu, trình UNESCO công nhận, cũng như quảng bá sau khi được UNESCO công nhận, Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có đề xuất các chính sách để thúc đẩy thực chất, hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UNESCO hướng dẫn để thông tin đầy đủ đến các địa phương về những việc cần làm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền và vững lâu dài. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng mời nhiều lãnh đạo cấp cao của UNESCO sang thăm, kết hợp tổ chức hội nghị của UNESCO về bảo tồn phát huy các di sản văn hóa.
Bộ Ngoại giao cũng đã hỗ trợ các địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị tiếp tục công nhận di sản của Việt Nam; tiếp tục quảng bá giới thiệu về các di sản của Việt Nam tới bạn bè thế giới, bao gồm thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Để truyền bá, tôn vinh văn hóa Việt, dân tộc Việt, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa, du lịch của Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có các góc trưng bày về sản phẩm văn hóa tại trụ sở của cơ quan đại diện, nhất là các nơi đón tiếp khách nước ngoài. Cùng với đó là các hoạt động như tổ chức các sự kiện văn hóa ẩm thực của Việt Nam; phối hợp thành lập các Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, văn hóa Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu, đưa sách vở, sản phẩm văn hóa vào các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu… |
Tags: