Tòa phúc thẩm Mỹ giữ phán quyết đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh của Trump, ông Trump điện đàm Chủ tịch Tập Cận Bình, cá voi mắc cạn bí ẩn tại New Zealand... là những nội dung chính có trong bản tin.
Tin 1: Tòa phúc thẩm Mỹ giữ phán quyết đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh của Trump
Hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 gồm Michelle Friedland, William Canby và Richard Clifton đã giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp thấp hơn về việc đình chỉ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donal Trump và cho phép những người trước đây bị cấm được nhập cảnh vào Mỹ.
Phán quyết được đưa ra sau khi ba thẩm phán liên bang Mỹ ngày 7/2 mở phiên tranh luận để lắng nghe ý kiến từ người đại diện cho chính quyền Trump và người đại diện cho hai bang Washington, Minnesota.
Phản ứng trước phán quyết trên, chia sẻ trên trang twitter cá nhân, Tổng thống Trump có viết: “Hẹn gặp lại ở tòa! An ninh của đất nước chúng ta đang bị đe dọa”.
Tuyên bố trên của Tổng thống Trump ám chỉ nhiều khả năng chính quyền mới sẽ kháng cáo phán quyết của tòa phúc thẩm và đâm đơn kiện lên Tòa án Tối cao – cơ quan có quyền quyết định cuối cùng về sắc lệnh di trú.
“Đó là một quyết định chính trị. Chúng ta sẽ gặp nhau tại tòa. Tôi mong chờ điều đó. Chắc chắn chính quyền của tôi sẽ giành chiến thắng”, tổng thống Mỹ chia sẻ.
Tin 2: Tổng thống Donald Trump điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 9/2 (giờ Mỹ). Cuộc điện đàm được mô tả đã diễn ra thân mật, cả hai nhà lãnh đạo đã dành những lời chúc tốt đẹp nhất đến người dân hai nước. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của hai người kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống hôm 20/1.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có chính sách "một Trung Quốc" - một nền tảng quan trọng cho quan hệ Mỹ - Trung suốt nhiều thập niên qua.
Tin 3: Cháy lớn ở Manila, 15.000 người dân mất nhà
Một đám cháy lớn xảy ra vào đêm 7/2 đã thiêu rụi khoảng 1.000 căn nhà trong khu ổ chuột ở gần cảng Manila, Philippines khiến 15.000 người rơi vào cảnh vô gia cư.
Hãng thông tấn AP dẫn lời lực lượng cứu hỏa địa phương cho biết ngọn lửa bùng phát từ đêm 7/2 và phải đến tận sáng hôm sau (8/2) mới được dập tắt.
Lính cứu hỏa cho biết khoảng 1.000 căn nhà trong khu liên hợp Parola bị thiêu rụi trong đó nhiều gia đình cùng chung sống trong những căn nhà nhỏ, dọc theo những con hẻm nhỏ.
Theo quan chức của sở cứu hỏa Edilberto Cruz, vụ hỏa hoạn làm 7 người bị thương nhẹ và không ai chết dù ngọn lửa lan rất nhanh trong đêm.
Quan chức an sinh xã hội Regina Jane Mata cho biết chính phủ đã lập 3 trung tâm sơ tán, cung cấp đồ ăn, nước uống cho khoảng 3.000 gia đình bị mất nhà.
Vụ hỏa hoạn khiến giao thông trong khu vực và những vùng lân cận bị đình trệ, nhiều xe tải không thể đi vào cảng. Nhà cửa và nhiều đồ đạc có giá trị bị thiêu rụi sau đám cháy.
Tin 4: Pháp sẽ dựng tường kính cao 2,5m quanh tháp Eiffel
Giới chức Pháp cho biết tháp Eiffel sẽ sớm được bảo vệ bởi một bức tường kính chống đạn cao 2,5m. Đây là một phần trong kế hoạch ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố nhằm vào công trình biểu tượng của quốc gia châu Âu này.
Hãng tin RT dẫn lời Phó Thị trưởng Paris Jean Francois Martin, quan chức phụ trách về du lịch cho biết: “Mối đe dọa khủng bố ở Paris vẫn rất cao và tháp Eiffel sẽ trở thành các mục tiêu tấn công hàng đầu, cần được bảo đảm an ninh đặc biệt”.
Theo ông Martin, hàng rào bằng kính sẽ giúp đảm bảo an ninh và giữ được mỹ quan cho tháp Eiffel. Bức tường bảo vệ bằng loại kính đặc biệt này sẽ được xây dựng vào giữa năm nay, thay thế các hàng rào kim loại được dựng lên từ năm ngoái trong giải bóng đá Euro 2016.
Dự kiến, kinh phí xây dựng bức tường bằng kính này sẽ tiêu tốn khoảng 20 triệu euro (khoảng 21 triệu USD). Đây là một phần trong gói 300 triệu euro dành cho chương trình nâng cấp tháp Eiffel. Việc thắt chặt an ninh tại các khu vực như tháp Eiffel được chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm sau một loạt vụ tấn công khủng bố tại quốc gia này trong những năm qua.
Tin 5: Hơn 400 cá voi mắc cạn bí ẩn tại New Zealand
Ngày 10/2, hơn 400 con cá voi đã bơi dạt vào bờ và mắc cạn tại bờ biển Farewell Spit của New Zealand chỉ trong một đêm, 75% trong số đó đã chết khi được phát hiện.
Khoảng 300 tình nguyện viên mang theo nhiều xô, chậu, cố gắng giải cứu những khoảng 100 con cá voi còn sống. Họ cũng mang theo khăn tắm sũng nước để phủ lên những con cá voi và cố gắng giữ nước cho chúng bằng các xô chậu.
Hiện có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho hiện tượng này. Các chuyên gia cho rằng những con cá voi này có thể đang săn mồi ở quá gần bờ biển hoặc chúng đang cố gắng bảo vệ những con cá voi bị ốm trong đàn.
Bờ biển Farewell Spit ở vịnh Golden Bay là nơi thường xuyên chứng kiến những vụ cá voi mắc cạn bởi đây là một vịnh cạn, rất khó khăn để cá voi bơi trở lại biển.
Theo các chuyên gia, nhiều con cá voi được giải cứu ở trong điều kiện sức khỏe không tốt, vì vậy số lượng cá voi chết có thể tăng.
Hiện tại bờ biển Farewell Spit vẫn còn hơn 300 xác cá voi chết. Cơ quan chức năng đang tập trung cứu những con còn sống và đợi lực lượng xử lý những con đã chết.
Tin 6: Argentina biểu tình ngực trần đòi quyền bán khỏa thân tại bãi biển
Hàng chục phụ nữ ngực trần với sự cổ vũ của hàng trăm người khác hôm 7/2 đã tham gia một cuộc biểu tình ở thủ đô Buenos Aires của Argentina để đòi quyền bán khỏa thân, phản đối vụ việc gần đây khi cảnh sát buộc những phụ nữ ngực trần tắm nắng tại bãi biển phải rời đi.
Theo Reuters, các cuộc biểu tình tương tự nhưng với quy mô nhỏ hơn cũng nổ ra ở nhiều thành phố khác của Argentina. Những người biểu tình dùng bút viết lên cơ thể những khẩu hiệu phản đối việc kiểm soát phụ nữ bán khỏa thân tắm nắng tại bãi biển, hay những khẩu hiệu bằng tiếng Tây Ban Nha như "Cơ thể của tôi, tôi có quyền".
Các cuộc biểu tình diễn ra không lâu sau khi hồi tháng trước 3 phụ nữ ngực trần tắm nắng tại một bãi biển nổi tiếng ở Argentina đã bị khoảng 20 cảnh sát đề nghị họ rời khỏi bãi biển. Cảnh sát khi đó đã viện dẫn một điều luật hình sự cấm “phơi bày khiêu dâm” để yêu cầu những phụ nữ này rời đi. Tuy nhiên, ít nhất một thẩm phán ra phán quyết sau vụ việc rằng, bán khỏa thân không phải là một tội.