Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản, cháy trường học tại Malaysia, 24 người thiệt mạng, Singapore có nữ tổng thống đầu tiên... là nội dung chính có trong bản tin.
Triều Tiên phóng tên lửa từ Bình Nhưỡng qua Nhật Bản
Đài NHK dẫn thông tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, tên lửa của Triều Tiên phóng đi từ khu vực sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng vào lúc 6h57, đã bay qua phía bắc nước này và rơi xuống Thái Bình Dương, cách mũi Erimo ở đảo Hokkaido khoảng 2.000km vào khoảng 7h16 theo giờ địa phương.
|
Một vụ phóng thử của tên lửa Triều Tiên. Ảnh: KCNA |
Theo đánh giá của Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc, tên lửa này đã bay xa 3.700km và bay cao 770km. Với tầm bắn này, về lý thuyết, tên lửa của Triều Tiên đến thời điểm hiện tại có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), trong khi đó quân đội nước này tiến hành một cuộc tập trận tên lửa ở vùng biển phía đông dằn mặt Bình Nhưỡng.
Quân đội Hàn Quốc cho biết đã phóng hai tên lửa Hyunmoo-2 từ bãi phóng gần biên giới liên Triều chỉ 6 phút sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Một tên lửa đã "bắn trúng" mục tiêu giả định trên vùng biển phía đông, cách đó khoảng 250km, đúng bằng khoảng cách từ bãi phóng của Hàn Quốc đến sân bay Sunan của Triều Tiên. Tên lửa còn lại rơi xuống biển không lâu sau khi khai hỏa.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi thực hiện các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc một cách cứng rắn. Cộng đồng quốc tế phải gửi đi một thông điệp rõ ràng đối với những hành động khiêu khích từ Triều Tiên.
"Nhật Bản không bao giờ tha thứ cho những hành động khiêu khích lặp lại của Triều Tiên.Chúng tôi đã phản đối mạnh mẽ Triều Tiên, nói với họ sự giận dữ mạnh mẽ từ người dân Nhật Bản, lên án họ bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể", người phát ngôn chính phủ Nhật bản cho biết.
Đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản trong vòng chưa đầy một tháng, lần gần đây nhất diễn ra ngày 29/8.
Vụ phóng thử diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 11/9 thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, đáp trả việc nước này thử hạt nhân lần 6 hồi đầu tháng. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.
Triều Tiên gọi đây là "nghị quyết trừng phạt xấu xa và phi pháp", tuyên bố sẽ "tăng gấp đôi các nỗ lực phát triển sức mạnh để bảo vệ chủ quyền và quyền được tồn tại". Triều Tiên ngày 14/9 còn dọa dùng vũ khí hạt nhân nhấn chìm Nhật Bản vì "hùa theo" Mỹ, ủng hộ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.
Nổ bom tự chế trên tàu điện ngầm ở London, ít nhất 22 người bị thương
|
Lực lượng an ninh có mặt tại hiện trường. (Ảnh: Metro) |
Reuters dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết, vụ nổ đã khiến ít nhất 22 người bị thương, chủ yếu là do bị bỏng, trong khi số khác do dẫm đạp lên nhau khi cố thoát khỏi hiện trường.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Một số nguồn tin chưa xác thực cũng nói rằng, IS tuyên bố vẫn còn các thiết bị nổ tự chế khác chúng gài ở London nhưng chưa được kích nổ. Tuy nhiên, hiện chưa thể xác thực thông tin trên.
Cảnh sát địa phương cho biết, vụ việc xảy ra tại ga tàu điện ngầm Parsons Green, phía tây London. Một container màu trắng ở phía cuối đoàn tàu đã phát nổ. Toàn bộ hành khách đã được sơ tán để đảm bảo an toàn.
Các nhân chứng cho biết, vụ nổ có thể bắt nguồn từ một đám cháy trong một chiếc thùng nhỏ trên tàu điện ngầm, mặc dù hiện tại chưa rõ trong chiếc thùng này có gì.
Phát biểu với báo chí tại London hôm qua, Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, quả bom tự chế trong vụ nổ ở Parsons Green đã được chế tạo nhằm mục đích gây "thương vong đáng kể". Bà thừa nhận Anh đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố nghiêm trọng, do đó kêu gọi người Anh đồng lòng đánh bại chủ nghĩa khủng bố.
Nga - Belarus tiến hành tập trận lớn nhất năm 2017
Bộ Quốc phòng Belarus cho biết cuộc tập trận Zapad-2017 (Phương Tây - 2017) sẽ là cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong năm của Nga và Belarus.
Lực lượng tham gia Zapad-2017 gồm 138 xe tăng, 231 xe thiết giáp, 241 hệ thống pháo và tên lửa đạn đạo chiến thuật, cùng 40 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra cảnh giới trên không. Nga dự kiến triển khai 12.700 binh sĩ, trong đó 10.200 người sẽ tham gia tác chiến tại Belarus. Một số nguồn tin cho rằng Quân đoàn Tăng Cận vệ số 1 mới tái lập của Nga cũng góp mặt trong Zapad 2017, nhưng thông tin này chưa được xác nhận.
|
Nga - Belarus tiến hành tập trận lớn nhất năm 2017. |
Đợt tập trận Zapad 2017 được cho là cơ hội để Nga thử nghiệm nhiều khái niệm chiến thuật mới, trong đó có những chiến thuật được rút ra từ kinh nghiệm ở Syria. Theo Bộ Quốc phòng Nga, trọng tâm của cuộc tập trận năm nay là lập kế hoạch hiệp đồng, xây dựng chiến thuật chỉ huy và triển khai đội hình quân binh chủng hợp thành.
Nga và Belarus đều mời quan sát viên từ Liên Hợp Quốc, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), NATO, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) tới theo dõi cuộc tập trận.
Cháy trường học tại Malaysia, 24 người thiệt mạng
|
Hiện trường xảy ra vụ cháy. |
Giới chức địa phương cho biết ngọn lửa bắt đầu bùng phát vào khoảng 5h15 sáng 14/9 tại một trường nội trú Hồi giáo dành riêng cho nam sinh nằm trên đường Keramat Hujung ở thủ đô Kuala Lumpur. Nửa tiếng sau đó lực lượng cứu hỏa mới nhận được tin báo.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 24 người thiệt mạng trong vụ cháy trên, trong đó có 22 học sinh và 2 quản lý. Trước đó, báo cáo cho biết con số thiệt mạng là 25 người. Thi thể các nạn nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Kuala Lumpur để nhận dạng. Bên cạnh đó, 7 người bị thương cũng được đưa đến bệnh viện gần đó và 11 người thoát ra ngoài an toàn.
Cảnh sát trưởng Kuala Lumpur, ông Amar Singh, cho biết các học sinh thiệt mạng ở trong độ tuổi từ 13 đến 17 và có thể hầu hết các em đều chết do ngại khói.
Lực lượng chức năng nghi ngờ vụ hỏa hoạn là do bị chập điện, khiến ngọn lửa bùng cháy và nhanh chóng bao trùm 3 tầng của khu kí túc xá của học sinh.
Singapore có nữ tổng thống đầu tiên
|
Nữ tổng thống đầu tiên của Singapore, bà Halimah Yacob. |
Bà Yacob là 1 trong 3 ứng viên có triển vọng tranh cử tổng thống Singapore năm nay. Tuy nhiên, hai ứng viên còn lại là ông Mohamed Salleh Marican và Farid Khan không đủ điều kiện để có giấy chứng nhận tranh cử. Vì vậy, bà Halimah Yacob, 63 tuổi, ứng viên hợp lệ còn lại duy nhất trong 5 ứng cử viên nộp đơn ban đầu, đã trở thành tổng thống thứ 8 của Singapore.
Bà Yacob sinh năm 1954 trong một gia đình có 5 người con mà cha là người Hồi giáo gốc Ấn, mẹ mang quốc tịch Malaysia. Bà là nữ tổng thống đầu tiên của đảo quốc Singapore, là người gốc Malaysia thứ 2 trở thành tổng thống sau 47 năm.