Ngày 12/7, các nhà đàm phán của 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau tại Hakone để bàn thảo về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui.
Tin 1: Pháp duyệt binh rầm rộ mừng Quốc khánh
|
Pháp duyệt binh rầm rộ mừng Quốc khánh. |
Đây là lễ diễu binh đầu tiên đối với Tổng thống Macron, người vừa nhậm chức hồi tháng 5 và là nhà lãnh đạo trẻ nhất của nước Pháp từ thời Hoàng đế Napoleon. Tổng thống Macron đến buổi lễ duyệt binh trên xe chỉ huy cùng Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Pierre de Villiers. An ninh được thắt chặt cao độ trong Ngày Bastille năm nay sau vụ xe tải lao vào người ăn mừng ở Nice vào ngày kỷ niệm Quốc khánh năm 2016.
Theo hãng tin France24, tham gia lễ duyệt binh năm nay còn có sự tham gia các binh sĩ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania là khách mời danh dự trong lễ duyệt binh này.
Đúng 10h sáng 14/7, buổi lễ chính thức bắt đầu. Cuộc duyệt binh năm nay có sự tham gia của 3.575 binh sĩ Pháp cùng nhiều chiến đấu cơ, xe tăng và thiết bị quân sự hiện đại.
Khoảng 200 binh sĩ Mỹ lần đầu tiên dẫn đầu đoàn diễu binh ở đại lộ Champs-Elysees nhân kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia vào Thế chiến thứ nhất.
Lễ khai mạc duyệt binh có chủ đề 100 năm công nghệ quốc phòng và giới thiệu 8 mẫu xe quân sự mang tính chất biểu tượng của quân đội Pháp qua từng thời kỳ. Hai phi đội trình diễn nổi tiếng là Patrouille de France (với tên gọi Vệ binh nước Pháp) và Thunderbirds của không quân Mỹ mở màn với những động tác biểu diễn đẹp mắt.
Các khối duyệt binh đại diện cho các quân binh chủng, học viện, nhà trường quân sự, cơ giới, thiết giáp tiếp đó lần lượt tiến vào lễ đài. Kết thúc buổi lễ, Tổng thống Macron có bài phát biểu chào mừng quốc khánh Pháp.
Tin 2: Khủng hoảng Qatar không có dấu hiệu “hạ nhiệt”
|
Khủng hoảng Qatar không có dấu hiệu “hạ nhiệt”. |
Sau cuộc hội đàm tại thành phố cảng Jeddah, Saudi Arabia, ông Rex Tillerson trở lại Kuwait - quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải mối hận thù của các quốc gia vùng Vịnh - nhưng không có bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra.
Trong một tuyên bố chung đưa ra sau hiệp ước của Mỹ và Qatar, bốn nước Arab cho rằng thỏa thuận trên là chưa đủ, đồng thời nhắc lại 13 yêu cầu trong “tối hậu thư” là điều kiện để gỡ bỏ biện pháp trừng phạt.
Các yêu cầu cho Qatar gồm: Hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, đóng căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar và giao tất cả “những kẻ khủng bố” trên lãnh thổ theo danh sách 4 nước này cung cấp.
Chuyến đi của ông Rex Tillerson nằm trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng tồi tệ nhất giữa các quốc gia đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, nó dường như chỉ giúp trì hoãn vấn đề vốn sẽ bùng phát trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đã đi xa hơn vấn đề cáo buộc tài trợ chủ nghĩa khủng bố mà nó còn thể hiện sự bất ổn nội bộ và những ảnh hưởng của Tổ chức khủng bố anh em Hồi giáo, cũng như sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Tin 3: 11 nước thảo luận tương lai TPP mà không có Mỹ
Ngày 12/7, các nhà đàm phán của 11 nước Châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau ở thị trấn suối nước nóng nổi tiếng Hakone, phía tây nam Tokyo để bàn thảo về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui.
|
11 nước thảo luận tương lai TPP mà không có Mỹ. |
Trong cuộc họp lần này, các nước thành viên quyết tâm thảo luận các lựa chọn khả thi để sớm đưa TPP vào hiện thực, trước khi các nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC ở Việt Nam vào tháng 11 tới.
Hiện tại, TPP chỉ có thể có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% GDP của 12 nước ký TPP ban đầu, chính thức thông qua thoả thuận.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước, hy vọng sẽ đạt được một thoả thuận để thay đổi các yêu cầu nhằm đưa TPP vào thực thi, mà không phải xem xét lại nội dung của hiệp định, trong đó có khả năng đưa Mỹ trở lại hiệp định.
Theo quy định hiện hành, TPP sẽ được triển khai khi ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% GDP của 12 nước ký TPP ban đầu, chính thức thông qua thoả thuận. Vì vậy, việc Mỹ - thành viên chiếm tới 60% GDP toàn khối rút khỏi TPP đồng nghĩa không thể đưa hiệp định vào thực hiện theo các điều khoản quy định hiện tại.
Tin 4: Mỹ bắt 400 người trong vụ gian lận bảo hiểm y tế 1,3 tỷ USD
|
Mỹ bắt 400 người trong vụ gian lận bảo hiểm y tế 1,3 tỷ USD. |
Ngày 13/7, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết các công tố viên liên bang đã truy tố 412 người tham gia vào đường dây gian lận và lừa đảo y tế, với số tiền 1,3 tỷ USD.
Đây là vụ gian lận y tế nghiêm trọng nhất nước Mỹ từ trước tới nay, khi nhiều bác sỹ, y tá, dược sỹ đã phá vỡ lời thề y đức thiêng liêng và để “tiền làm mờ mắt”.
Các quan chức cho biết, trong số những người bị buộc tội có 120 người đã tham gia vào việc kê đơn và phân phối thuốc giảm đau có chất gây nghiện bất hợp pháp. Điều này đã gây nên cái chết của 52.000 người Mỹ do sử dụng thuốc quá liều trong năm 2015.
Cụ thể, vụ việc trên bắt nguồn từ những công ty dược phẩm sản xuất ra loại thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện opioid. Những công ty này thuyết phục các bác sỹ, y tá rằng thuốc của họ vẫn có thể giảm đau nhưng không gây nghiện. Các bác sỹ đã kê đơn quá liều cho những bệnh nhân lớn tuổi và người nghèo và thu tiền từ dự án bảo hiểm của chính phủ liên bang.
Thêm vào đó, các công ty dược còn làm giả các bản nghiên cứu để đưa ra thông tin thiếu chính xác đánh lừa các bác sỹ. Chế độ hoa hồng hấp dẫn cho các trình dược viên đã khiến họ tiếp tục lao mình vào cuộc môi giới để các công ty dược thu lợi bất hợp pháp. Ví dụ, công ty Purdue đã thu về 35 tỷ USD chỉ từ việc bán thuốc giảm đau có chứa chất opioid.
Tin 5: IS xác nhận thủ lĩnh tối cao đã bị tiêu diệt
|
IS xác nhận thủ lĩnh tối cao đã bị tiêu diệt |
Ngày 11/7, Kênh truyền hình Al Sumaria dẫn nguồn tin cho biết, phiến quân Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đưa ra thông báo ngắn gọn xác nhận thủ lĩnh tối cao của tổ chức này Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng.
Đây là thông tin xác nhận đầu tiên từ phía IS sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/6 nói rằng, Baghdadi có thể đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Không quân Nga nhằm vào một căn cứ chỉ huy của IS ở ngoại ô thành phố Raqqa, Syria hồi cuối tháng 5. Phía Nga đến nay cho biết vẫn đang xác nhận thông tin qua nhiều kênh khác nhau.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cũng cho biết, họ có thông tin xác nhận Baghdadi đã chết.
Tin 6: Tấn công hàng loạt bằng axit gây náo loạn London
|
Tấn công hàng loạt bằng axit gây náo loạn London. |
Cảnh sát địa phương cho biết, chỉ riêng trong tối ngày 13/7, tổng cộng 5 vụ tấn công bằng axit xảy ra ở London.
5 vụ tấn công bằng axit chỉ diễn ra trong vòng 70 phút. Trong đó, 4 vụ xảy ra ở khu vực Hackney, vụ còn lại ở Islington. Giới chức năng cho rằng, các vụ tấn công này có liên hệ với nhau.
Các vụ tấn công khiến ít nhất 5 người bị thương, trong đó một nạn nhân bị biến dạng mặt hoàn toàn. Tất cả nạn nhân đã được đưa vào viện cấp cứu.
Theo cảnh sát địa phương, nghi phạm trong ít nhất 4 vụ tấn công là hai thanh niên đi xe máy. Trong ít nhất 2 vụ, kẻ tấn công đã cướp xe máy của nạn nhân và tẩu thoát.
Cảnh sát hiện bắt giữ hai nghi phạm, một thanh niên 15 tuổi, một thanh niên 16 tuổi.
Tấn công bằng axit tại London có xu hướng tăng gần đây. Theo báo cáo công bố hồi tháng 3 của Sở cảnh sát London, năm 2014 ghi nhận 166 vụ, con số này tiếp tục tăng lên 454 vụ năm 2016. Những vụ tấn công kiểu này tập trung ở khu vực phía đông thành phố.