Phản đối phán quyết của tòa án, Tập đoàn công nghệ Apple vẫn nhất quyết không hỗ trợ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) “bẻ khóa” điện thoại di động iPhone.
|
Việc ép buộc thực hiện “bẻ khóa” có thể ảnh hưởng xấu đến quyền riêng tư của người sử dụng |
Nhiều bất cập
Việc không đồng ý “bẻ khóa” điện thoại iPhone đã khiến Apple trở thành đối tượng bị chỉ trích cho rằng hãng này đang cản trở một cuộc điều tra an ninh quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều hãng công nghệ Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI bao gồm Google, Facebook và Twitter.
Tổng Giám đốc điều hành hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến Google Sundar Pichai đã có phản ứng với quyết định của Apple trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng.
Ông cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ người dân trước các mối đe dọa tội phạm và khủng bố.
Tuy nhiên, việc ép buộc các công ty thực hiện các hoạt động “bẻ khóa” có thể ảnh hưởng xấu đến quyền riêng tư của người sử dụng.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey cho biết: “Chúng tôi ủng hộ Tim Cook và Apple”.
Facebook cũng ra tuyên bố khẳng định sẽ “đấu tranh quyết liệt” trước những đề nghị của giới chức yêu cầu các công ty công nghệ làm suy yếu hệ thống an ninh mạng, mặc dù hãng này rất lên án các hành động khủng bố và đánh giá cao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người dân của lực lượng thực thi pháp luật.
Việc FBI cho rằng chính quyền Mỹ có quyền yêu cầu các công ty hỗ trợ nhà chức trách điều tra cũng là có lý do bởi từ trước tới nay, các cơ quan điều tra vẫn thường xuyên nhờ các công ty viễn thông hỗ trợ nghe lén điện thoại của nghi can tội phạm.
Việc yêu cầu một công ty viết phần mềm để hỗ trợ điều tra cũng là chuyện đã từng có tiền lệ. FBI cũng nhấn mạnh trong trường hợp này, chỉ Apple mới có thể hỗ trợ điều tra hung thủ Farook.
Các nhà phân tích cho rằng, trong tranh cãi với nhà chức trách Washington, “Trái táo khuyết” chỉ là kẻ “đứng mũi chịu sào” trong cuộc chiến pháp lý đã kéo dài nhiều năm qua giữa các đơn vị hành pháp của Mỹ với các công ty công nghệ như Apple, Google, Microsoft và Facebook.
Nhiều năm qua, chính quyền cũng như các tổ chức chính phủ Mỹ thường xuyên thuyết phục và yêu cầu các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft, Facebook, Twitter, Yahoo… tạo “cửa hậu” trên các sản phẩm của mình.
Điều này có nghĩa là các công ty sẽ chèn vào phần mềm quản lý của mình những đoạn mã đặc biệt (có thể coi như một bộ khóa mã riêng) để khi cần đến thì các nhân viên thực thi pháp luật có thể “bẻ khóa”, truy cập điện thoại và máy tính của người dùng và khai thác thông tin cần thiết phục vụ công tác điều tra chống khủng bố của chính phủ.
Đương nhiên, các hãng công nghệ lớn phản đối việc tạo “cửa hậu” vì cho rằng dữ liệu của khách hàng cũng cần được bảo vệ an toàn và khách hàng có quyền được tôn trọng.
Ngoài ra, khi tạo các “cửa hậu” trên sản phẩm công nghệ, nguy cơ kẻ xấu sẽ tìm được cách khống chế để khai thác thông tin là việc hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, viễn cảnh có vẻ không mấy lạc quan với Apple và các hãng công nghệ khi hệ thống tòa án tại Mỹ xét xử theo hình thức tiền lệ pháp, trong đó các quyết định của một phiên tòa sẽ là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho các vụ kiện tương tự trong tương lai.
Nếu như Apple thua kiện trong vụ kiện này, Chính phủ Mỹ sẽ giành được một chiến thắng quan trọng với toàn bộ các công ty công nghệ.
Chỉ cần đưa ra cơ sở là vụ việc của Apple thì FBI, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) hay Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đều có thể dễ dàng ép buộc các “ông lớn” tại Thung lũng Silicon phải tạo ra “cửa sau” cho tất cả các phần mềm, dịch vụ.
Nếu kịch bản này xảy ra, ngành bảo mật không chỉ riêng Mỹ mà trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ lỗ hổng bảo mật có thể xuất hiện trên bất kỳ một dịch vụ số của bất kỳ một công ty nào.
Nguy hiểm hơn, không thể bảo đảm được rằng những tổ chức khủng bố như IS sẽ không lần ra những lỗ hổng này và các cơ quan mật vụ của Mỹ sẽ không dùng “cửa hậu” để thực hiện những chiến dịch nghe lén tầm cỡ mà cựu nhân viên của NSA Edward Snowden đã từng tiết lộ.
Việc Apple và Bộ Tư pháp Mỹ “lời qua tiếng lại” một lần nữa cho thấy những bất cập trong cuộc tranh cãi về cách thức lực lượng thực thi pháp luật và cơ quan tình báo nước này kiểm soát thông tin điện tử trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số và quyền riêng tư được nhiều hãng công nghệ đặt lên hàng đầu.