Dù chưa được cấp phép nhưng trạm trộn bê-tông tại nút giao cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên với QL18 (thuộc xã Yên Phụ, huyện Yên Phong) vẫn ngang nhiên hoạt động.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trạm trộn bê tông này chưa hề được các cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.
Được biết, trước đây nơi này được một đơn vị xây dựng sử dụng để sản xuất bê tông asphalt phục vụ cho quá trình làm đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Tuy nhiên, từ khi thông xe tuyến này (năm 2014) thì tại đây không còn được sử dụng làm trạm trộn bê tông nữa, mà đất đã được trả lại cho địa phương quản lý.
Có mặt tại đây những ngày đầu 3/2018, phóng viên ghi nhận được cảnh tượng, hệ thống trạm trộn bê tông asphalt hoạt động rầm rầm với cột khói bốc lên nghi ngút. Ước tính diện tích đất này khoảng vài nghìn mét vuông.
|
Dù chưa được các cơ quan chức năng cấp phép nhưng trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động. |
Tuy nhiên, phía UBND xã Yên Phụ, huyện Yên Phong thì khẳng định, nơi này đã được đền bù và giải phóng mặt bằng, xã không quản lý phần diện tích này. Trao đổi với phóng viên, cán bộ địa chính UBND xã Yên Phụ cho biết:
“Diện tích đất mà doanh nghiệp đang làm trạm trộn bê tông không thuộc địa phương quản lý nữa, vì hồi làm đường Quốc lộ 3 mới (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên) đã thu hồi”.
Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 238 (Công ty 238) - đơn vị được giao quản lý, khai thác tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên lại khẳng định, diện tích đất này là thuộc UBND Yên Phụ quản lý, và đất này đã được chính quyền nơi đây cho doanh nghiệp thuê để làm trạm trộn bê tông.
Về nội dung này, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Ninh cũng xác nhận, diện tích trên là đất thuộc xã, huyện quản lý và trực tiếp cho doanh nghiệp thuê.
Về pháp lý, doanh nghiệp này vẫn chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh, sản xuất bê tông. Không chỉ hoạt động trái phép, doanh nghiệp này còn tự ý tháo dỡ phần hộ lan của Quốc lộ 18 để cho xe tải vận chuyển vật liệu ra vào.
Trao đổi với Pháp luật Plus, ông Ngô Lương Pha – Phó Giám đốc Sở GTVT cho hay: “Trạm trộn bê tông tồn tại từ mấy năm rồi, chúng tôi đã kiểm tra và lập biên bản nhiều lần, yêu cầu họ làm thủ tục nhưng đến nay họ vẫn chưa hoàn thành thủ tục cấp phép”.
Khi được hỏi doanh nhiệp này có được phép tháo hộ lan của Quốc lộ 18 hay không và nếu không thì tại sao không bị xử lý. Thì được vị Phó GĐ Sở GTVT này cho hay:
“Chúng tôi không cho phép họ tháo hộ lan tại Quốc lộ 18, tuy nhiên giờ đóng cũng khó, bởi vì nó đã tồn tại lâu rồi”.
|
Không những hoạt động không phép, trạm trộn bê tông này còn phá dỡ nhiều mét hộ lan trên Quốc lộ 18 để cho xe chở vật liệu ra vào. |
Việc tháo hộ lan để cho xe tải đi ra, đi vào tại đây là rất nguy hiểm, bởi Quốc lộ 18 cho phép các phương tiện mô tô, xe gắn máy lưu thông.
Khi xe tải ra vào tại đây sẽ lấn vào làn của người điều khiển mô tô, xe gắn máy, buộc họ phải di chuyển sang làn dành cho ôtô.
Anh Đ.V.T người hay di chuyển qua đoạn đường này cho biết: “Quốc lộ 18 cho phép xe mô tô chạy tới 60km/h, tốc độ cao như vậy thỉnh thoảng gặp những chiếc xe bất ngờ đi từ trạm trộn bê tông này ra khiến tôi phải đánh lái sang làn dành cho ôtô. Nếu có ôtô đang di chuyển song song với xe của tôi thì tai nạn rất dễ xảy ra”.
Trạm trộn bê tông hoạt động trong một thời gian dài không giấy phép, hơn thế còn ngang nhiên phá hộ lan của Quốc lộ nhưng không hiểu sao vẫn không được xử lý.
Pháp luật Plus đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, UBND huyện Yên Phong, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh, sớm vào cuộc xử lý nghiêm sai phạm trả lại sự an toàn cho người tham gia giao thông.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ quy định Điều 40. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh 1. Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương. 2. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương. 3. Chỉ đạo và kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện 1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ được giao trên địa bàn huyện quản lý. 2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài quy định tại Nghị định này, nếu trường hợp để xẩy ra tai nạn, gây những hậu quả đáng tiếc xẩy ra thì còn phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương do buông lỏng quản lý, giám sát về hành vi của người có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý tài sản thuộc trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 2015 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như sau: "1. Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. 4. Người phạm tội còn có thể cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm". |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!