Chưa đạt mục tiêu 6 tháng đầu năm
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh) đạt 4.128 tỷ đồng, tăng trưởng 5,45%, không đạt mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra là 7,25%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,63%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,05%; dịch vụ tăng 5,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,15%.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chỉ rõ những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của từng lĩnh vực. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thời tiết trong 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, khô hạn xảy ra ngay đầu vụ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất; trong tháng 4, tháng 5 liên tục xảy ra các đợt mưa to, dông lốc gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Các đại biểu dự cuộc họp. (Ảnh: Backan.gov.vn). |
Về dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô đàn vật nuôi. Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh trở lại trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 4 trở lại đây làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn và công tác tái đàn của các địa phương. Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt thấp, bằng 73% so với mục tiêu 6 tháng đầu năm 2024.
Tại khu vực công nghiệp - xây dựng chưa đạt được mục tiêu tại kịch bản, nguyên nhân chủ yếu do một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, không sản xuất được như kỳ vọng nhất là trong lĩnh vực khai khoáng, lĩnh vực chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, đến ngày 1/6/2024 đạt 22,6% kế hoạch vốn năm 2024. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 vẫn đang trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa triển khai được công tác xây dựng cơ bản…
Về thu hút đầu tư phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn, tính từ thời điểm cuối năm 2023 đến nay chưa có thêm các dự án phát triển du lịch mới được đầu tư do công tác lập quy hoạch chậm. Khách du lịch tăng cao tuy nhiên chủ yếu vẫn là khách trong tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê, để tốc độ tăng trưởng cả năm của tỉnh đạt kế hoạch trên 8% thì GRDP 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 10%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản 6 tháng cuối năm phải tăng 4,7%; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 15%; dịch vụ tăng trưởng 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng trưởng 9,5%.
Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự họp cho rằng, từ giờ đến cuối năm, cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá, thu tiền sử dụng đất, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm.
Tiếp tục tăng cường tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao; phát triển các điểm trưng bày, đa dạng các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Chạy nước rút cuối năm
Trao đổi tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên cho rằng, từ giờ đến cuối năm, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ vẫn là những khu vực có khả năng tăng trưởng cao nhất.
Vì vậy, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung hỗ trợ, đôn đốc các dự án sản xuất công nghiệp đẩy nhanh tiến độ sớm đi vào hoạt động.
Kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất rượu, nhất là hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tính đúng, tính đủ sản lượng sản xuất rượu trên địa bàn các huyện, thành phố. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã được cấp chủ trương đầu tư.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cho rằng, với nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng, song nếu 6 tháng cuối năm thật sự nỗ lực, quyết tâm, thì mục tiêu tăng trưởng đạt 10% vẫn có thể đạt được.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại cuộc họp. (ảnh: Backan.gov.vn). |
Cụ thể, các sở, ngành, địa phương cần chỉ đạo, hướng dẫn gieo trồng đảm bảo theo khung thời vụ, bố trí bộ giống lúa phù hợp theo từng vùng sản xuất; phát triển, mở rộng diện tích cây trồng lợi thế của từng địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh phương án phát triển chăn nuôi, lựa chọn các loài vật nuôi khác thay thế chăn nuôi lợn trong tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; phấn đấu sản lượng khai thác gỗ các loại vượt kế hoạch giao, phát triển dược liệu dưới tán rừng; nâng cao giá trị đóng góp từ rừng tự nhiên vào phát triển kinh tế nông nghiệp…
Các đơn vị, các chủ đầu tư tổ chức thực hiện quyết liệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các dự án từ chuẩn bị đầu tư, phấn đấu giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công năm 2024 và vốn đầu tư năm 2023 được phép kéo dài.
Đôn đốc các chủ đầu tư dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký. Triển khai có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử. Tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và thị trường nước ngoài
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển khu đân cư, khu đô thị, dự án có sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ đấu giá, thu tiền sử dụng đất, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm…