Các quốc gia Tây Phi đã bắt giữ 7 tàu Trung Quốc bị phát hiện đánh bắt cá bất hợp pháp và có thể phạt chủ tàu hàng triệu USD
|
Các tàu đánh cá Trung Quốc đồng loạt ra khơi (Ảnh: REX) |
Theo Reuters, các thanh tra viên của các nước Tây Phi bao gồm Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau đã kiểm tra nhiều tàu ở khu vực ngoài khơi bờ biển của họ và phát hiện ra 7 tàu Trung Quốc vi phạm những quy định về đánh bắt các loài cá được bảo vệ và sử dụng lưới có mắt nhỏ để thu hoạch nhiều hơn.
Việc phát hiện các tàu vi phạm diễn ra sau cuộc tuần tra kéo dài 2 tháng trên con tàu Esperanza của tổ chức Greenpeace (Hòa bình Xanh). Tàu Esperanza đã chở các thanh tra viên từ các nước Tây Phi, vốn gặp khó khăn về ngân sách và công nghệ, đi khảo sát ở các vùng biển trong chiến dịch trấn áp tàu cá hoạt động trái phép.
“Số vụ bắt giữ cao bất ngờ, mặc dù các tàu bị bắt đã biết trước về kế hoạch tuần tra của chúng tôi”, ông Pavel Klinckhamers thuộc tổ chức Greenpeace cho biết.
Tàu Esperanza đã phát hiện 11 tàu vi phạm trong số 37 tàu bị chặn lại để kiểm tra, sau đó báo cáo với chính quyền địa phương để kéo các tàu vi phạm về cảng. Một số tàu đã được thả sau khi nộp đủ tiền phạt, trong khi các tàu khác vẫn bị giữ lại để phục vụ điều tra.
Bình luận về hoạt động đánh bắt cá của tàu Trung Quốc ở nước ngoài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) tuyên bố Bắc Kinh phản đối tất cả các hình thức đánh bắt trái phép. Ông Cảnh yêu cầu các công ty Trung Quốc nên hoạt động hợp pháp và bảo vệ môi trường biển.
“Trung Quốc hy vọng các nước liên quan có thể thực thi luật pháp một cách văn minh, xử lý vi phạm theo luật định và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc cũng như nhân viên của họ”, ông Cảnh nói thêm.
Tổ chức Greenpeace cho biết Tây Phi là khu vực có nguồn tài nguyên biển giàu có nhất thế giới, nhưng trữ lượng cá ở đây đang bị cạn kiệt dần do các tàu đánh cá công nghiệp đang tìm cách khai thác triệt để từ mặt nước xuống tận đáy biển.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science ước tính thiệt hại hàng năm mà khu vực Tây Phi phải gánh chịu do các hoạt động đánh bắt trái phép và tràn lan vào khoảng 2,3 tỷ USD.