10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2017 - kết quả từ những nỗ lực, đoàn kết của toàn Ngành vì sự phát triển không ngừng của đất nước.
1. Chính phủ ban hành Nghị định 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương
Ngày 18/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 98/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Nghị định được ban hành nhằm mục tiêu kiện toàn bộ máy tổ chức của Bộ Công Thương, phù hợp với nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, chồng chéo về chức năng.
Số đầu mối của Bộ đã cắt giảm 5 đơn vị (từ 35 xuống còn 30 đầu mối, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập). Bên cạnh đó, số lượng tổ chức cấp Phòng tại Bộ Công Thương đã được cắt giảm mạnh mẽ. Cụ thể, tại các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp Phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).
Cùng với việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, Bộ đã xây dựng phương án tổ chức, bố trí sắp xếp nhân sự, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhất cơ cấu biên chế công chức trong quá trình sắp xếp bộ máy, đảm bảo khách quan, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của Bộ.
Trong công tác cán bộ, chú trọng, sử dụng các cán bộ lãnh đạo có tâm, tầm, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ. Tiến hành rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch nhân sự lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2020, tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo giai đoạn 2021-2026. Tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế, quy định về công tác bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ. Điều này góp phần đảm bảo cho việc sắp xếp, bố trí nhân sự được tiến hành dân chủ công khai, minh bạch đúng quy định, đảm bảo lựa chọn được người có tài, có đức, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ kiến tạo và phát triển.
2. Nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Tiếp theo Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (Quyết định số 4846/QĐ-BCT ngày 09/12/2016) năm 2017, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa, bãi bỏ 123 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018, theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm, chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh hiện có.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng là Bộ đi đầu trong công tác hiện đại hóa nền hành chính. Tất cả 298 TTHC cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 41 nhóm dịch vụ công mức độ 3 và cả 154 dịch vụ công này đều đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương tại địa chỉ http://online.moit.gov.vn.
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh là hành động cụ thể của Bộ Công Thương nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, coi năm 2017 là năm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
3. Phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và tổ chức triển khai đạt những kết quả tích cực bước đầu
Sau 01 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã nỗ lực, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Qua đó, Bộ Chính trị đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Ban Cán sự đảng Chính phủ cũng như Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khải thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án này.
Đến nay, 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ; các dự án khác đều có lộ trình xử lý cụ thể theo nguyên tắc thị trường, không kéo dài gây thiệt hại cho nhà nước.
4. Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 420 tỷ USD, trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao trên 21%
Qui mô xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 lần đầu tiên đã vượt mức 420 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, tương đương mức tăng tuyệt đối 37,2 tỷ USD, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Năm 2017 có 29 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng thêm 4 mặt hàng so với năm 2016. Tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2017.
Cán cân thương mại đạt thặng dư 2,67 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2017 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong thương mại hàng hóa, với mức thặng dư 1,78 tỷ USD của năm 2016.
Cán cân thương mại thặng dư giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần vào việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2017.
5. Bán đấu giá thành công cổ phần Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn
Ngày 18/12/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343.662.587 cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, tương ứng 53,59% vốn điều lệ, thu về cho nhà nước gần 110.000 tỷ đồng.
Thành công của thương vụ bán Sabeco thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, niềm tin vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mang ý nghĩa là động lực cho sự thành công của các phiên thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiếp theo.
6. Luật Quản lý ngoại thương 2017 được ban hành
Ngày 12/6/2017, với 88,19% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua với 8 Chương 113 Điều. Là một đạo luật được xây dựng trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động khó lường, Luật Quản lý ngoại thương 2017 là một văn bản thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đại hội Đảng lần thứ XII về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo tinh thần “cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”; đồng thời là một hệ thống công cụ hợp pháp, phù hợp cam kết quốc tế trong bảo vệ, phát triển nền ngoại thương của Việt Nam.
Luật Quản lý ngoại thương 2017 đã lần đầu tiên thể chế hóa, cập nhật nhiều biện pháp mới trong quản lý, thúc đẩy ngoại thương như các biện pháp phát triển ngoại thương, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương... Luật Quản lý ngoại thương 2017 là cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết với tinh thần minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương.
7. Ngành Công Thương đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển của ngành do Quốc hội và Chính phủ giao
Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương về xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thương mại, tổng mức bán lẻ và lưu chuyển hàng hóa, chỉ số IPP của ngành công nghiệp đều hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Điều này thể hiện nỗ lực to lớn của toàn ngành Công Thương trong triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp lớn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định và bám sát chỉ đạo điều hành trong suốt năm 2017, góp phần tích cực vào hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chung của cả nước năm 2017.
8. Tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 và Hội nghị Bộ trưởng các thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 23 và các sự kiện có liên quan diễn ra từ ngày 19 đến 21 tháng 5 năm 2017 tại Hà Nội đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao về nội dung cũng như công tác hậu cần, góp phần tạo nên sự thành công chung của năm APEC 2017 do Việt Nam đăng cai.
Diễn ra từ ngày 6-9/11/2017 tại Đà Nẵng, các Bộ trưởng của 11 nước thành viên TPP đã nhất trí đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này.
Việt Nam, với vai trò là nước chủ nhà và giúp Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng, đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị.
9. Khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam hướng tới thị trường khu vực
Năm 2017 là một năm có ý nghĩa quan trọng khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng trong khu vực, với hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn.
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu để giữ vững được thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam trong năm 2017 đã khởi công nhiều dự án với quy mô lớn.
Tháng 3/2017, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô Thaco – Mazda, sản xuất xe ô tô mang thương hiệu Mazda với công suất 100.000 xe/năm. Đồng thời, THACO cũng đã khởi công nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus với công suất thiết kế 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus/năm và 12.000 xe minibus/năm với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, trong năm 2017, đã ký kết thoả thuận hợp tác cùng Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam nhằm phục vụ một phần nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu trong thị trường ASEAN. Liên doanh đã quyết định đầu tư 01 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới tại Ninh Bình với công suất dự kiến là 120.000 xe/năm.
Tập đoàn Vingroup cũng đã khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu Kinh tế Cát Hải, Hải Phòng. Tập đoàn Vingroup với dự án Vinfast được kỳ vọng sẽ cùng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn khác trong nước góp phần mở rộng và đa dạng hóa thị trường ô tô Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức, sự kiện các doanh nghiệp lớn khởi công nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô có quy mô lớn thể hiện quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô bài bản, dài hạn, đón đầu xu thế hội nhập quốc tế.
10. Triển khai đúng lộ trình thay thế xăng khoáng RON 92 bằng xăng sinh học E5 RON 92 trên toàn quốc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 255/TB-VPCP ngày 6/6/2017; Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22/9/2017 của Bộ Công Thương, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, từ ngày 1/1/2018, xăng sinh học E5 RON 92 đã thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92 trên toàn quốc.