Ngày 11/10, tại UBND TP Phú Quốc, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024.
Bộ Công Thương cho biết năm 2023, sản xuất công nghiệp khu vực phía Nam vẫn ổn định, nhịp độ tăng trưởng tích cực, có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 1,5%).
Và 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và có 6/20 tỉnh tăng trưởng cao hơn bình quân khu vực (tăng 10,73%), gồm: Trà Vinh (44,56%), Bình Phước (16,90%), Kiên Giang (13,67%), Tây Ninh (13,43%), Vĩnh Long (12,50%), Bến Tre (11,32%).
Có 186 cụm công nghiệp có quyết định thành lập với tổng diện tích 8.498ha. Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động thu hút khoảng 1.618 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, vốn đăng ký đầu tư khoảng 73.809 tỉ đồng; tạo việc làm cho hơn 162.810 lao động.
Tuy nhiên, số cụm công nghiệp có công trình nước thải đi vào hoạt động vẫn còn thấp (đạt 48/111 cụm công nghiệp), chiếm 43,24%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam ước đạt 108,4 tỉ đồng.
Song, sản xuất công nghiệp ở một số địa phương khu vực phía Nam có mức tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu (chủ yếu là chế biến thủy sản và các sản phẩm khí - điện - phân bón); gia công lắp ráp, giá trị gia tăng tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao; giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu vẫn còn thấp và chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò và tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại, cần giải quyết, khắc phục.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và ông Giang Thanh Khoa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cùng các Sở, ngành tham quan các gian hàng tại hội chợ. |
3 tháng cuối năm 2024, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản… góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm.
Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho hay hội nghị này là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại, nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương; tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Bà Thắng đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần bám sát biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành và rà soát bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh tạo cơ sở pháp lý đồng bộ tiếp nhận triển khai các dự án đầu tư. Các địa phương trong vùng chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, cảng thương mại truyền thống và thương mại hiện đại.
|
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị. |
“Sở Công Thương các tỉnh, thành và địa phương cần chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo vị trí trên thị trường trong và ngoài nước thì sản phẩm bán vượt trội hơn giá trị đang thực hiện. Công tác phòng vệ thương mại địa phương cần chú trọng hơn, góp phần bảo vệ ngành sản xuất trong nước”, bà Thắng nói.