Tìm về những làng nghề truyền thống thời điểm này khiến không ít người cảm thấy không khí Tết dường như đang đến rất gần.
Tin nên đọc
Điểm mặt những đặc sản "tiến vua" được săn lùng làm quà biếu Tết
Nhiều “đặc sản” Tết được bày bán ở hồ Xuân Hương Đà Lạt
Nghệ An: Người tiêu dùng thích thú với những sản phẩm sáng tạo làm từ “đặc sản” cam Vinh
Đặc sản 3 miền hội tụ tại Hội chợ nông sản an toàn thực phẩm Đà Nẵng 2017
Làng kẹo lạc Tháp Thượng (Đan Phượng, Hà Nội)
Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đầu tháng 11 Âm lịch, khi cái lạnh đầu đông đang len lỏi qua từng cánh áo là cả làng Tháp Thượng lại thơm phúc mùi lạc rang.
Ngay từ cổng làng, cơ sở sản xuất kẹo lạc Quyết Thắng đã chật kín nhân công, mỗi người một việc, luôn chân luôn tay với những mẻ kẹo. Ngày thường, cơ sở của anh Quyết chỉ cần "đỏ lửa" một bếp là đủ, nhưng mỗi dịp giáp tết là 2 bếp lúc nào cũng hoạt động ngày đêm và "tình trạng" tấp nập này thường sẽ bắt đầu từ đầu tháng 8 cho đến tháng 2 Âm lịch năm sau.
Kẹo lạc làng Tháp Thượng được làm rất kỳ công, có lẽ đây mới chính là yếu tố tạo nên thương hiệu làng nghề truyền thống này.
Lạc sau khi được loại bỏ những hạt sâu, lép thì đem rang vàng, trộn thật nhanh và đều tay với mạch nha đã nấu chín. Sau đó đổ hỗn hợp kẹo này ra một tấm phản có trải bột gạo phía dưới, dùng sức tải thật nhanh thành một phên mỏng rồi dùng dao chuyên dụng để cắt thành từng thanh dài 5cm. Thao tác tải hỗn hợp và cắt kẹo phải làm thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn... Thêm một vài thao tác đóng gói bằng máy móc nữa là ra thành phẩm.
Làm kẹo lạc nói dễ mà cũng không dễ, bởi vì công đoạn nấu mạch nha là công đoạn khó nhất và quan trọng nhất, chỉ cần quá lửa một chút là kẹo sẽ bị đắng, màu kẹo chuyển sang đen, ăn không thơm và mất ngon.
Nhộn nhịp vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội)
Những ngày này, tìm đến vườn đào Nhật Tân khiến không ít người ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nhiều loại hoa, và cũng từ lâu nơi đây trở thành một trong những điểm chụp ảnh thu hút nhiều bạn trẻ. Có lẽ vì đặc điểm thú vị này khiến cho vườn đào nơi đây luôn tấp nập người qua, kẻ lại.
Các nhà vườn nằm khá gần chợ hoa Quảng Bá. Nơi đây là một trong những vựa hoa tết lớn và chất lượng của Hà Nội và toàn miền Bắc.
Thời điểm này, tại vườn đang là mùa rút là để cây đào trổ hoa đúng dịp Tết. Chúng tôi gặp lão nông Nguyễn Văn Mun (chủ một vườn đào tại Nhật Tân) khi ông đang thoăn thoắt rút lá đào, ông nói: “Để có được những bông hoa đào khoe sắc trong ngày Tết những người làm vườn phải cẩn trọng, tính toán đúng thời điểm rút lá đào để hoa nở đúng dịp Tết. Theo đánh giá riêng của tôi, năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên đào có thể sẽ không được đẹp như năm ngoái, và cũng chính vì thời tiết không thuận lợi nên việc chăm sóc đào cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
|
Ảnh: Việt Linh (danviet.vn) |
Với khoảng hơn 200 gốc đào, vườn đào của gia đình ông Mun tập trung vào đào cành với khoảng 150 cành đào bích và 50 cành đào phai, trừ các chi phí thì mỗi năm gia đình ông cũng thu nhập khoảng 70-80 triệu/năm.
Đào sau khi tuốt lá sẽ ra mắt, người trồng đào sẽ phải bấm ngọn, tuốt lá thêm một lần nữa vào giữa tháng 11 Âm lịch để cây đào tập trung nuôi dưỡng mắt, cho ra những nụ hoa mập mạp và thắm hơn.
Vừa chia sẻ với chúng tôi, vừa rút lá đào, bà Toan (một chủ vườn đào Nhật Tân) cho biết: “Để có được cành đào đẹp, nụ và hoa thắm thì đào phải được trồng ờ Nhật Tân mới cho ra loại đào có nụ to, hoa thắm hơn. Điều đó được chứng minh khi có rất nhiều vùng trồng hoa đào khác nhưng đào Nhật Tân vẫn nổi tiếng hơn cả”.
|
Ảnh: Việt Linh (danviet.vn) |
Một trong những dự đoán của nhiều nhà vườn là năm nay đào thế sẽ lên ngôi. Chính vì vậy, nhiều gia đình ở đây đã tập trung chăm sóc, tạo thế cho đào. Có những gốc đào qua cả chục năm được các chủ vườn chăm sóc rất cẩn thận.
“Thường thì đào thế các nhà vườn sẽ không bán mà chỉ cho thuê. Mình sẽ giao hẹn với khách thuê đào chơi Tết đến khoảng một tuần sau đó mình sẽ đến mang cây đào trở lại vườn chăm sóc. Giá thuê đào thế dao động từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu tùy thuộc vào dáng đào và độ già của gốc đào”, bà Toan chia sẻ.
Cùng với sắc đỏ của đào tượng trưng cho sự may mắn, sắc vàng của quất tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang hòa quyện cùng mùi thơm của hương trầm, vị ngọt của kẹo lạc... tất cả đó tạo nên hương vị ngày Tết, với ước nguyện mang đến một năm mưa thuận gió hòa, vạn sự xuôi chèo mát mái.