Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã "chốt" kết quả rà soát giáo sư, PGS năm 2017 tại cuộc họp chiều 27-2 để báo cáo Thủ tướng vào ngày 1-3.
Tin nên đọc
Kết quả rà soát hồ sơ Giáo sư của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Đã phát hiện ứng viên phó giáo sư được công nhận nhưng thiếu tiêu chuẩn
Giáo sư Nguyễn Công Minh tâm sự về nghề y
Bộ GD&ĐT xin lùi thời hạn báo cáo và rà soát chức danh giáo sư năm 2017
Chiều 27-2, tại Hội trường Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã có phiên họp để tổng kết kết quả rà soát giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-2.
"Thế giới cần thì Việt Nam lại không quan tâm"
Trao đổi với phóng viên, GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch HĐCDGS ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, cho biết trước đó, các HĐCDGS ngành đã báo cáo kết quả rà soát lên Chủ tịch HĐCDGSNN, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Tại cuộc họp, các thành viên HĐCDGS ngành thảo luận nhiều vấn đề có tính nguyên tắc cũng như việc xử lý sau rà soát. Theo GS Giang, nội dung kết quả rà soát sẽ được Chủ tịch HĐCDGSNN trực tiếp báo cáo Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào ngày 1-3 tới. Trước đó, qua rà soát đã phát hiện sai sót trong việc công nhận chức danh PGS đối với một ứng viên thuộc HĐCDGS liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm.
|
Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong một cuộc họp của hội đồng Ảnh HĐCDGSNN |
Trước những ồn ào xung quanh việc công nhận chức danh GS, PGS hiện nay, GS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng quy trình, tiêu chuẩn công nhận chức danh hiện nay có vấn đề. GS này lấy làm lạ là những điều thế giới cần thì Việt Nam lại không quan tâm mà chỉ quan tâm đến hình thức, số lượng, thủ tục. Đối chiếu những tiêu chuẩn của Việt Nam thì nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam đang làm việc trên thế giới đều… trượt. Chức danh GS, PGS nhiều khi được phong không đúng người, có những người rất bình thường thì lại được phong, trong khi những người giỏi thì lại không đáp ứng được yêu cầu "không giống ai" của mình.
PGS Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cũng chia sẻ nhiều người rất giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu khoa học rất cao, các tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức không có vi phạm gì nhưng vẫn bị trượt nhiều lần. Tình hình này đã diễn ra nhiều năm và ảnh hưởng tiêu cực đến những người làm khoa học và giáo dục.
Theo một GS uy tín, nhiều học trò của ông trượt PGS không phải vì không đủ các điều kiện tiêu chuẩn về chuyên môn, khoa học mà vì lý do rất cảm tính là… không đủ số phiếu bầu của hội đồng. "Có những người rất giỏi mà nộp hồ sơ vài lần vẫn trượt. Họ nản, bảo khi nào các thành viên hội đồng kia nghỉ thì họ mới làm hồ sơ xin xét. Nhưng được vài năm, thấy lớp đàn em có khi không bằng mình mà lại được công nhận PGS, được nhận rất nhiều ưu ái về lương bổng, phụ cấp, họ lại đi làm hồ sơ rồi "chạy" nhiều cửa" - GS này chua xót.
Khó kiểm soát trong bỏ phiếu
Theo PGS Vũ Hào Quang, chính cơ chế bỏ phiếu không ký tên đã dẫn đến những tiêu cực trong việc xét chức danh GS, PGS. Trên thực tế, xã hội lo ngại về tiêu cực khi bỏ phiếu ứng viên ở các hội đồng là điều dễ hiểu. Ứng viên phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín ở hội đồng cơ sở, ngành (liên ngành) và hội đồng nhà nước và phải đạt 3/4 số phiếu. Nhiều ứng viên bỏ phiếu 5-7 lần vẫn trượt mà không hiểu nguyên nhân vì sao.
PGS Vũ Hào Quang cho rằng việc bỏ phiếu kiểu này khó có thể kiểm soát được. Ông cũng đề nghị bỏ hội đồng liên ngành và chỉ để 2 cấp là hội đồng cấp cơ sở và cấp nhà nước. Ngoài ra, chỉ thông qua phiếu tín nhiệm quá bán (50%) bằng bỏ phiếu công khai hoặc xét thật kỹ tiêu chuẩn "cứng" của các chức danh GS, PGS và công nhận, không cần bỏ phiếu để tránh những tiêu cực trong quan hệ xã hội.
Một thành viên HĐCDGSNN cũng chia sẻ đã nhiều lần đề nghị giảm phiếu tín nhiệm xuống 50% nhưng không nhận được sự đồng tình. "Nhiều thành viên của HĐCDGSNN cho rằng nếu giảm xuống 50% thì hạ thấp chức danh GS. Cũng có ý kiến nếu không bỏ phiếu, cứ đủ điều kiện là được công nhận GS thì khác gì làm việc như robot" - thành viên này chia sẻ.