Hoạ sĩ Phan Ngọc Khuê giới thiệu về bộ tranh tại triển lãm. |
Triển lãm trưng bày 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” được nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho rằng được sáng tạo từ thế kỷ 19 cho tới trước những năm 1945.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ về bảo tồn và phát huy tranh Hàng Trống, một dòng tranh được đánh giá cao về chất lượng và giá trị văn hóa. Ngày nay, trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của nhiều dòng tranh dân gian, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hy vọng triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” là một dịp để công chúng chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp của một dòng tranh truyền thống.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết triển lãm là một hoạt động ý nghĩa diễn ra trong tháng tôn vinh những người phụ nữ. |
Tại triển lãm, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, một chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật các dân tộc Việt Nam, đã trao tặng bộ tranh "Chiêu Quân cống Hồ" trong bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ông cho biết: "Bộ tranh Chiêu Quân cống Hồ là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi anh kiệt, chuyển tải được tinh thần của truyện và ý tưởng của tác giả, ca ngợi những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa, nhằm đề cao giáo dục về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng”.
Bộ tranh "Tứ Dân" tại triển lãm. |
Tham quan triển lãm, khán giả được tiếp cận những bộ tranh quý được vẽ theo các tích truyện cổ như bộ tranh Tứ Dân, Sơn Hậu, Tam Quốc, Chiến Quốc, Hán Sở tranh hùng... với những đường nét, màu sắc mang đặc trưng của tranh Hàng Trống và thể hiện phong phú nội dung. Chẳng hạn, bộ tranh “Tứ Dân” khắc họa về các nghề trong xã hội như: ngư phủ - người làm nghề đánh cá trên sông; tiều phu - người làm nghề đốn củi trong rừng; nông phu - người làm nghề cấy cày, làm ruộng; thi nhân - nhà thơ...
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khách tham quan tìm hiểu về các tích truyện và nhân vật xưa. |
Tags: