Ngay cả khi chúng ta có nhiều tiền thì việc xây dựng trụ sở nghìn tỷ vẫn không phải là việc cấp bách hàng đầu. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đã trao đổi như vậy với Phapluatplus xung quanh việc các tỉnh "đua nhau" xin Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng trung tâm hành chính.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung theo hướng đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ thống hành chính tập trung.
Tuy nhiên, mới đây, để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng công trình này. Phóngviên Phapluatplus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Thưa ông, mới đây Chính phủ có quyết định tạm dừng việc xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung. Xin ông chia sẻ nhận định của mình về vấn đề này?
Hiện nay, thông tin về việc tạm dừng xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Tuy nhiên, đó mới chỉ là quyết định tạm thời của Chính phủ nhằm kéo dài thời gian cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra một phán quyết có hiệu lực và thuyết phục nhất. Dư luận và ngay cả bản thân tôi cũng rất hoan nghênh điều này.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm. |
Nhân dân, báo đài và kể cả Quốc hội cũng đã có những phát biểu không đồng tình với việc xây dựng khu trung tâm hành chính giữa thời buổi kinh tế đang khó khăn như bây giờ. Tuy nhiên, việc xây dựng khu trung tâm hành chính thời gian qua không hẳn là không thích hợp.
Việc xây dựng khu trung tâm hành chính với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, khiến chúng ta đối mặt với những khó khăn gì thưa ông?
Xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung tất nhiên không hề đơn giản như việc xây một trụ sở làm việc bình thường mà còn có nhiều chuyện xảy ra xung quanh nó và rất phức tạp.
Việc xây dựng khu trung tâm hành chính ở một chỗ bắt buộc chính quyền phải vận động (ở một góc độ nào đó có thể là cưỡng chế) người dân để có được diện tích xây dựng.
Diện tích đất hiện nay ngày càng eo hẹp, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Giả sử có đủ diện tích đi nữa thì vẫn phải cân nhắc xem là nhà nào bán được nhà nào không bán được.
|
Mô hình trung tâm hành chính tập trung tỉnh Khánh Hòa. |
Bởi lẽ, trong số những trụ sở hành chính của các địa phương có những nơi, những công trình là di sản văn hóa. Nếu phá đi, bán đi những công trình đó tức là phá đi, bán đi di sản văn hóa của con người.
Có nhiều trụ sở như tòa công sứ, tòa nọ tòa kia không phải nó là của thực dân xây dựng nên chúng ta xóa đi mà vì nó là di sản của lịch sử, là kiến trúc của đô thị một thời kỳ nên chúng ta phải gìn giữ, nếu phá đi cũng đồng nghĩa với việc mất đi một nét văn hóa đẹp của dân tộc.
Hơn nữa, về việc xây mới các cơ sở hành chính tập trung vào một mái nhà như là ở Đà Nẵng gồm 1.600 con người hàng ngày đến làm việc một lúc rồi đi về cùng một lúc thì vấn đề giao thông đi lại cũng gặp phải trở ngại lớn. Bên cạnh đó, vấn đề phòng chống cháy nổ cũng nên được quan tâm hơn trong trường hợp xây dựng khu trung tâm hành chính.
Không chỉ là việc đầu tư xây dựng mà việc chi phí cho quản lý các cơ sở này trong quá trình hoạt động cũng phải cần được chú ý. Con số đầu tư là thế nhưng sau vài năm nữa chúng ta cải cách hành chính, giảm số nhân viên thì những công trình này sẽ được xử lý ra sao?
Nhiều người cho rằng việc xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung sẽ gây tốn kém ngân sách. Trước phản ứng của dư luận, ông có nhận định như thế nào về điều này?
Tính sơ sơ là nghìn tỷ nhưng tôi tin rằng con số chính xác để chi phí trong trường hợp triển khai công trình này sẽ còn nhiều hơn. Điều này càng được các nhà lãnh đạo và nhân dân quan tâm hơn giữa bối cảnh ngân sách thiếu hụt như thời điểm hiện tại.
Ví dụ, Bệnh viện nhi ở Cần Thơ mỗi ngày đều xảy ra trường hợp 5 bé nằm chung một giường bệnh. Trong hoàn cảnh đó mà lại tính đến việc xây dựng trụ sở to đùng trị giá nghìn tỷ thì thật là "vô duyên" và việc nhân dân người ta không đồng tình cũng là điều dĩ nhiên.
Thực tế cho thấy chúng ta đang thiếu tiền nhưng ngay cả có tiền đi chăng nữa thì vẫn còn bao nhiêu việc cấp bách khác, liệu trụ sở có phải là việc cần thiết hàng đầu chưa?!
Trân trọng cảm ơn ông!