Hành khách Nguyễn Quốc Dũng đã viết một bức "tâm thư" chia sẻ suy nghĩ và mong muốn của mình gửi đến ngành hàng không.
Tin nên đọc
Gần 10 ngày, Vietnam Airlines chưa trả đủ hành lý cho khách bị thất lạc
Khách kêu thất lạc hành lý, nhân viên Vietnam Airlines "khó chịu" ra mặt?
Pháp Luật Plus đăng tải nội dung phản ánh của hành khách Nguyễn Quốc Dũng về thái độ phục vụ, chăm sóc của một số nhân viên Vietnam Airlines trong việc hướng dẫn hành khách khi phát hiện hành ký bị thất lạc đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía Vietnam Airlines trong việc giải quyết, xử lý những phản ánh, thắc mắc của anh.
Cùng với đó, anh Dũng đã viết một bức "tâm thư" chia sẻ suy nghĩ và mong muốn của mình gửi đến ngành hàng không. Pháp Luật Plus xin đăng tải nguyên văn nội dung.
"Về việc thất lạc hành lý trên chuyến bay VN415:
Tôi muốn ngành hàng không phát triển, nâng hình ảnh "cửa ngõ" quốc gia
Tôi là một trong những hành khách có mặt trên chuyến bay VN415 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ Incheon (Hàn Quốc) về Sân bay Quốc tế Nội Bài đêm 3/1/2016.
Rủi ro, tôi cũng là một trong số hành khách bị thất lạc hành lý. Do chuyến bay bị hoãn từ bên Hàn Quốc, khiến chuyến bay của chúng tôi bị lùi lại ngót 2 tiếng so với dự kiến, về tới Việt Nam khoảng hơn 23 h…
Trong tâm thế mệt mỏi sau chuyến bay và những ngày ở Hàn Quốc, cộng thêm sự khó chịu vì chờ đợi các cán bộ, nhân viên an ninh và mặt đất tìm lọc xong đống hành lý của chuyến bay trước rồi mới đến chúng tôi lấy. Khi ra quầy làm thủ tục hành lý thất lạc, có thể do mệt mỏi nên nhân viên không được nhẹ nhàng, càng làm chúng tôi khó chịu hơn.
Bởi lẽ, trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng là thượng đế. Nếu có vướng mắc, khó chịu là quyền của khách hàng, nhưng niềm nở, tươi cười là nghĩa vụ của nhân viên hàng không.
Quả thực, khi về nước, người mệt mỏi, hành lý thất lạc chắc ai cũng như tôi không thể không bực mình. Nhưng sự bực bội bị dập tắt hay thổi bùng lên thành bức xúc là do thái độ, lời nói của nhân viên hàng không.
|
Những chia sẻ của hành khách Nguyễn Quốc Dũng gửi tới ngành hàng không. |
Đứng xếp hàng khoảng 40 phút sau, tôi mới được hướng dẫn hoàn tất thủ tục ủy quyền, nhận hành lý tại nhà, biên bản bất thường về hành lý ký gửi và lời hẹn sáng hôm sau sẽ có người liên lạc và thông báo tình hình hành lý thất lạc. Tôi về tới nhà lúc 1h30 sáng ngày 4/1/2016, tắm rửa xong, tôi viết cảm nghĩ của mình lên Facebook rồi mới đi ngủ.
Sáng 4/1, tôi thấy một số bạn bè (trong đó có cả một vài Nhà báo) hỏi han, chia sẻ thông tin chuyến bay. Khoảng 9h tối cùng ngày, vợ chồng tôi đang đi đám cưới con của gười bạn thì có nhân viên hàng không gọi điện về nhận hành lý. Tuy nhiên, với lời giải thích không rõ ràng về thùng hàng còn thiếu, nên tôi không nhận chiếc va-li nhân viên hàng không mang đến.
Sáng 5/1, tôi nhận được điện thoại của đại diện Trung tâm thông tin phản hồi, Đội tìm kiếm hành lý thất lạc Sân bay Quốc tế Nội Bài trao đổi, xin lỗi về những sự cố đã xảy ra. Trưa cùng ngày, tôi đã nhận lại chiếc va-li bị thất lạc. Quả thực, so với những sự cố về hàng không, thì sự thất lạc hành lý của tôi là việc quá nhỏ. Nhưng trong những ngày tiếp theo, các cơ quan liên quan của ngành hàng không vẫn liên lạc thường xuyên với tôi, giải thích rõ nguyên nhân thất lạc và trao đổi thông tin hành lý.
Tôi trân trọng sự quan tâm, chia sẻ của ngành hàng không trong sự cố này. Tuy nhiên, bình tâm trở lại, tôi cũng thấy việc nhỏ, không đáng gây phiền hà cho quá nhiều người như vậy nữa, nên tôi đã chủ động nói với đại diện Trung tâm thông tin phản hồi, Đội tìm kiếm hành lý thất lạc Sân bay Quốc tế Nội Bài không cần gọi điện cho tôi nữa, trừ khi tìm thấy hoặc thông báo chính thức hành lý của tôi không thể tìm thấy. Tôi cũng nói rõ, nếu hành lý của tôi thất lạc, tôi cũng không nặng nề gì.
Sau khi bài báo “Khách kêu thất lạc hành lý, nhân viên Vietnam Airlines "khó chịu" ra mặt?" đăng tải trên báo Pháp luật Plus (ngày 06/01/2016), Phóng viên liên lạc, tôi cũng nhất quán như đã trao đổi với đại diện ngành hàng không.
Hơn thế, tôi còn nhấn mạnh, trong lúc cái nhìn của khách quốc tế và một số khách trong nước có cái nhìn hà khắc về ngành hàng không, cơ quan báo chí khi đăng tải thông tin cần xử lí khéo léo, tránh bị xuyên tạc và làm mất hình ảnh của ngành hàng không, của “cửa ngõ” đất nước - Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Với tinh thần góp ý để nhân viên tiến bộ, ngành hàng không phát triển ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới, nên tôi cung cấp thông tin trung thực với cơ quan báo chí và đại diện các cơ quan liên quan ngành hàng không.
Nay mọi việc đã qua, tôi mong muốn khép lại những sự cố ngoài mong muốn của tất cả các phía. Chỉ mong, ngành chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên. Các cơ quan, đơn vị ngành hàng không cần hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, không để xảy ra các tai nạn, sự cố nghiêm trọng; thị trường hàng không Việt Nam đứng trong tốp 4 của ASEAN như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (10/1/2016).
Qua Báo Pháp Luật Plus, tôi gửi lời cảm ơn lãnh đạo Trung tâm Thông tin phản hồi, Đội tìm kiếm hành lý thất lạc Sân bay Quốc tế Nội Bài đã kịp thời chia sẻ, giải quyết dứt điểm vụ việc!
Hà Nội, ngày 13 tháng 1 năm 2016
Nguyễn Quốc Dũng