Các Luật sư bào chữa cho 03 bị cáo khẳng định, việc VKSND huyện Krông Pa viện dẫn Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai để khẳng định khu vực phát dọn thực bì là đất rừng (trạng thái TXP) để buộc tội, truy tố các bị cáo “Huỷ hoại rừng” là thiếu cơ sở pháp lý, không chỉ áp dụng sai đối tượng mà nghiêm trọng hơn còn vận dụng sai pháp luật, dẫn đến oan sai.
Theo các Luật sư, căn cứ vào quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị quyết 100 của HĐND tỉnh Gia Lai không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù được HĐND thông qua, nhưng UBND tỉnh Gia Lai không ban hành quyết định phê duyệt kết quả quy hoạch 03 loại rừng theo nghị quyết và đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh (sau 4 năm ban hành). Hiện nay HĐND tỉnh cũng đã quyết nghị bãi bỏ Nghị quyết 100 vì có nhiều diện tích là “rừng trên giấy”.
 |
Quang cảnh phiên toà ngày 07/02/2025 trước giờ xét xử. |
Tranh cãi về tính pháp lý thực thi của Nghị quyết 100
Vụ án này đã đi đến vòng tố tụng thứ hai, cả 03 bị cáo bị buộc tội “Huỷ hoại rừng” đã từng bị bắt tạm giam, đều ròng rã kêu oan. Tại phiên toà phúc thẩm (vòng tố tụng thứ nhất) vào ngày 26/3/2024, do chưa có đủ căn cứ để đánh giá chính xác đối với tính chất mức độ hành vi ban đầu của từng đối tượng, HĐXX TAND tỉnh Gia Lai đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm số 27/2023/HS-ST của TAND huyện Krông Pa và chuyển hồ sơ về VKSND huyện Krông Pa để điều tra lại.
Phiên toà sơ thẩm vòng tố tụng thứ hai của vụ án được mở lại vào ngày 13/01/2025 nhưng bị tạm hoãn và được mở lại vào 07/02/2025. Sau một ngày xét xử, đến chiều tối 07/02 thay vì tuyên án thì HĐXX TAND huyện Krông Pa quyết định nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 13/02/2025.
 |
Nghị quyết giao UBND tỉnh Gia Lai tổ chức thực hiện, tuy nhiên nghị quyết này không được UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai thực hiện trong thực tiễn. |
Theo Cáo trạng số 45 ngày 30/09/2024 của VKSND huyện huyện Krông Pa, tổng diện tích các bị can đã hủy hoại là 30.000 m2 (3ha) vị trí tại lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 thuộc địa giới xã Chư Drăng và theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xã Chư Drăng, huyện Krông Pa đã được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua tại Nghị Quyết số 100/NQ-HĐND ngày 17/12/2017 (gọi tắt là Nghị quyết 100) thì diện tích bị hủy hoại là rừng sản xuất, trạng thái TXP (rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi).
Tại phiên toà sơ thẩm ngày 7/2 vừa qua, kiểm sát viên Đỗ Thanh Tâm đại diện VKSND huyện Krông Pa giữa quyền công tố tại toà cho rằng, Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND tỉnh Gia Lai thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua. Đây cũng chính là căn cứ buộc tội 03 bị cáo và khiến họ ròng rã kêu oan, cho rằng hành vi của mình không phạm tội.
 |
Quyết nghị của Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai bãi bỏ toàn bộ Nghị quyết 100 và Nghị quyết số 45. |
Lộ diện dấu hiệu oan sai, Toà nghị án kéo dài
Bào chữa cho các bị cáo, Luật sư Ngô Thanh Quảng khẳng định: Nghị quyết 100 không phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực để các cơ quan, tổ chức và công dân thực thi; Nghị quyết này cần được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt theo thẩm quyền phê duyệt, quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quyết định xác lập các khu rừng được quy định tại Điều 18 Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, mới có hiệu lực thực thi trong thực tế.
Tại thời điểm vụ án xảy ra, Nghị quyết số 100 mặc dù đã được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua, nhưng không được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, bởi các cơ quan chức năng đã phát hiện nghị quyết này có nhiều nội dung sai sót. Đến ngày 23/07/2021 UBND tỉnh Gia Lai đã có Tờ trình số:1005/TTr- UBND đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh và HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 để điều chỉnh Nghị quyết 100. Sau đó, ngày 23/8/2021 UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND để phê duyệt Nghị quyết số 45/NQ-HĐND. Có nghĩa là tại thời điểm cơ quan chức năng khởi tố vụ án, Nghị quyết 100 không những không có hiệu lực thực thi mà vừa qua tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai cũng đã quyết nghị bãi bỏ cả 02 Nghị quyết (bao gồm Nghị quyết 100 và Nghị quyết 45) vì nhiều diện tích là “rừng trên giấy”.
Tại Điều 2 của Nghị quyết 100 có ghi rõ: Giao UBND tỉnh Gia Lai tổ chức triển khai thực hiện. Điều này thể hiện, đối tượng thực hiện Nghị quyết 100 là UBND tỉnh Gia Lai, không phải là các tổ chức cá nhân khác. Do vậy việc viện dẫn Nghị quyết 100 để khảng định khu vực phát dọn thực bì là đất rừng (TXP) để buộc tội, truy tố các bị cáo không những là vận dụng sai luật, thiếu cơ sở pháp lý mà còn áp dụng sai đối tượng.
Đồng quan điểm với Luật sư Ngô Thanh Quảng, luật sư Đào Thanh cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 100 là nghị quyết thông qua kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Xét về nội dung, hình thức nghị quyết này thuộc lĩnh vực đề án dự án kế hoạch. Căn cứ theo các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 34/2026/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP thì Nghị quyết 100 không phải là văn bản quy phạm pháp luật như quan điểm của đại diện VKS.
Luật sư Ngô Thanh Quảng còn viện dẫn Quyết định 53/QĐ-UBND ngày 04/02/2008 của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Gia Lai, thì khoảnh 1, 3 Tiểu khu 1396 không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp (diện tích này Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba đang thực hiện rà soát, quy hoạch vào đất rừng sản xuất để trồng rừng). Đây chính là cơ sơ pháp lý để các sở, ngành và cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận cho Công ty Phúc Phong đầu tư trồng rừng tại Tiểu khu 1395 và 1396 (không loại trừ lô khoảnh nào trong 2 tiểu khu trên). “Cho đến thời điểm vụ án xảy ra, quyết định số 53 vẫn là căn cứ pháp lý duy nhất để khẳng định khu vực các bị cáo phát dọn thực bì không phải là rừng và chưa bị thay thế bởi bất kỳ một quyết định nào khác. Điều đó có nghĩa là, Lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 không phải là rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh hồi phục (TXP) như cáo buộc”, Luật sư Quảng nhấn mạnh.
Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/08/2023, Luật sư Nguyễn Văn Thắng (người bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo) cũng đã viện dẫn văn bản số 341 ngày 25/2/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai trả lời cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa để chứng minh chưa có căn cứ khẳng định khu vực bị hủy hoại là rừng và chưa có căn cứ để tính toán thiệt hại.
Tại phiên tòa ngày 07/02/2025 cũng như tại các phiên tòa trước đó, các bị cáo vẫn một mực kêu oan, không đồng tình với các cáo buộc trong bản Cáo trạng.
Do vụ án có nhiều các quan điểm trái chiều về căn cứ buộc tội, cũng như một số tình tiết của vụ án, HĐXX đã quyết định nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 13/02/2025.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Tả Thanh Thiên