Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã có báo cáo vụ việc 84 học sinh Trường THCS trên địa bàn huyện Sa Thầy nhập viện cấp cứu do nghi ngộ độc thực phẩm. Kết luận báo cáo của Sở Y tế là vụ ngộ độc thực phẩm do sữa đậu nành và bánh bông lan.
Theo báo cáo từ Sở Y tế này: lúc 7h30 sáng ngày 6/11, nhận được tin báo từ Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy báo cáo có một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường THCS Nguyễn Tất Thành, THCS Lê Hồng Phong, DTNT huyện Sa Thầy.
Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp đến tại Trung tâm huyện Sa Thầy để nắm tình hình và điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc.
Qua kết quả khai thác tại Trung tâm Y tế huyện Sa thầy, tất cả 84 bệnh nhân được chẩn đoán là ngộ độc thực phẩm được cấp cứu lúc 8h sáng ngày 6/11, được xử trí bằng dịch truyền, uống than hoạt, giảm đau, bù dịch bằng đường uống (số nằm tại giường và truyền dịch là 37 cháu) và theo dõi sát diễn biến. Cả 84 bệnh nhân đều tỉnh táo, nói chuyện và ăn cháo được.
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, Cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh bông lan Đình Hiếu, sản phẩm bánh bông lan chưa có Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
|
Các em học sinh bị ngộ độc thực phẩm được nhập viện cấp cứu. |
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy bánh bông lan kem Đình Hiếu, bánh bông lan Đình Hiếu hình tam giác, bánh bông lan Đình Hiếu hình bầu dục, sữa đậu nành Fami nhãn màu xanh lá cây, sữa đậu nành Fami nhãn màu xanh dương (các sản phẩm đã được cấp cho các học sinh ăn sang để gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi khuẩn đường ruột, Clostridium, tụ cầu vàng, độc tố tụ cầu, các độc tố nấm).
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum cũng đã lấy 5 mẫu bệnh phẩm là mẫu phân để cấy kiểm tra vi khuẩn đường ruột, Clostridium, tụ cầu vàng, độc tố tụ cầu, các độc tố nấm.
Trước đó, như Pháp luật Plus đã thông tin: Sáng ngày 7/11, UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ 84 học sinh người dân tộc thiểu số phải nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm.
Thống kê từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, trong số 84 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm như trên, có 48 em là học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành; 1 học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong; 35 em còn lại là học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Được biết, 84 em học sinh trên sống tại làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy. Sáng ngày 6/11, trên đường đến trường, các em được một nhóm người tự xưng đang làm công tác từ thiện cho sữa và bánh. Toàn bộ số học sinh sau khi ăn các thực phẩm của nhóm từ thiện này cho biết đều có biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và các học sinh này được nhập viện cấp cứu.