Giá than xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 50 USD/tấn, trong khi đó giá than nhập khẩu lên tới 63 - 71 USD/tấn
Nghịch lý
Mới đây, trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, cùng với những tác động từ thị trường than trong nước và quốc tế, nhất là về giá, cùng với chủ trương hạn chế xuất khẩu than của nhà nước, nên TKV gặp phải rất nhiều khó khăn.
|
Bộ Công thương xin ý kiến xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than. |
''Từ năm 2012 đến nay, giá than giảm mạnh, nếu loại than cục trước đây giá bán là 230 USD/tấn nay giảm chỉ còn 100USD/tấn, hay than sử dụng cho các nhà máy điện, giá giảm từ 120 USD xuống khoảng 50 USD/tấn'' ông Chuẩn thông tin thêm.
Trong khi đó, Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD trong 8 tháng đầu năm. Trước đó, cả năm 2015, Việt Nam phải nhập 500.000 tấn về phục vụ nhu cầu trong nước.
Về thị trường, Nga vẫn là thị trường nhập than nhiều nhất của Việt Nam, với 2,8 triệu tấn, kế đến là Indonesia 1,8 triệu tấn và Trung Quốc 1,4 triệu tấn. Dù là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng giá than nhập từ Nga khá thấp, khoảng 63 USD một tấn. Trong khi đó, giá mỗi tấn than nhập từ Trung Quốc lên tới 71 USD.
Có thể thấy, khoảng chênh lệch về giá than xuất khẩu và giá than nhập khẩu là rất lớn, lên tới 13 - 21 đô la/tấn.
Theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, triển vọng đến 2030 vừa được Bộ Công Thương công bố tháng trước, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.
Lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo, với trữ lượng than hiện tại, Việt Nam còn có thể khai thác than thêm vài trăm năm nữa. Riêng bể than Đông Bắc còn có thể khai thác thêm 40-50 năm.
Thế nhưng theo tính toán, nhu cầu than tiêu thụ trong nước sẽ gấp đôi so với sản lượng sản xuất trong nước, khoảng 112,3 triệu tấn vào năm 2020 và tăng lên 220,3 triệu vào 2030.
Cần dự trữ
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn phúc đáp về kế hoạch xuất khẩu than của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, trong đó Bộ Công Thương xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan được tăng xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than/năm vào kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020.
Thông tin trên báo Dân Trí, theo văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu trả lời, Bộ KH&ĐT thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về kế hoạch số lượng và chủng loại than xuất khẩu giai đoạn 2017 - 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương lưu ý tính toán việc xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than cám, có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp tại khu vực Vàng Danh - Uông Bí, bởi hiện nhu cầu thị trường trong nước đang sử dụng loại than này.
Thứ trưởng Hiếu đề nghị: "Bộ Công Thương đánh giá lợi ích xuất khẩu so với tiêu thụ trong nước. Nếu trường hợp đánh giá cho thấy việc xuất khẩu mang lại lợi ích cao hơn, Bộ sẽ nhất trí cho phép TKV xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2017".
Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cần tập trung vào chế biến những loại than mà trong nước đang có nhu cầu sử dụng, có yêu cầu cao thay vì chỉ tập trung khai thác, xuất khẩu.
Về lâu dài, các đơn vị trọng điểm này cần phải có phương án khai thác hợp lý, phù hợp với đặc điểm phân bố trữ lượng, tài nguyên. Đặc biệt phải có kế hoạch lưu trữ cho nhu cầu sau năm 2020.