Đây là một trong những điểm mới đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Bổ sung nhiều hành vi vi phạm
Theo Bộ Xây dựng, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, sau hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước Ngành xây dựng.
Cùng với đó, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều nội dung mới, có những thay đổi nhất định, tác động trực tiếp đến các nội dung quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Thời gian vừa qua, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 16/2022/NĐ-CP cũng phát sinh một số tồn tại, vướng mắc cần phải sửa đổi bổ sung để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Chính vì vậy Bộ Xây dựng đã xây dựng và lấy ý kiến về Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và khả thi trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước Ngành xây dựng.
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng gồm 88 Điều, chia thành 8 chương. Theo Bộ Xây dựng Dự thảo Nghị định mới này cũng sẽ quy định vực kinh doanh dịch vụ bất động sản, dự thảo còn bổ sung nhiều hành vi vi phạm.
Dự thảo này đã đưa ra mức xử phạt cụ thể cho hàng loạt hành vi từ việc sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với cá nhân môi giới bất động sản không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; sàn giao dịch bất động sản hoạt động không có giấy phép hoạt động… đến việc sàn giao dịch bất động sản không niêm yết, không cung cấp thông tin hoặc niêm yết, cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ thông tin bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định; sàn giao dịch bất động sản không xác nhận hoặc xác nhận không đúng đối với các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua hình thức thư điện tử theo quy định.... nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong đó có người mua nhà.
|
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới có thể phạt chủ đầu tư dự án vi phạm lên tới 1 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ) |
Phạt hành chính lên tới 1 tỷ đồng
Thời gian vừa qua, liên quan đến việc một số chủ đầu tư vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm như không công khai đầy đủ thông tin khi giao dịch bất động sản; đưa bất động sản vào kinh doanh nhưng không đảm bảo các điều kiện theo quy định; thu tiền đặt cọc của khách hàng mua nhà chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị của hợp đồng mua bán... gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân.
Bộ Xây dựng đã xây dựng tờ trình về Nghị định mới có nhiều điểm quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Cụ thể: Trong Nghị định mới này, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức được quy định như sau: "Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng; Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng".
Có thể phạt đến 1 tỷ đồng là mức phạt tiền cao nhất áp dụng đối với 4 hành vi vi phạm liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
Trên thực tế đã phát sinh một số dự án chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán với người dân mà không báo cho người dân biết dự án đã bị thế chấp.
Việc này dẫn đến người mua nhà do chưa đủ thông tin nên vẫn ký hợp đồng mua bán, đến khi bị ngân hàng phát mại tài sản mới biết căn nhà mà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó.
Theo dự thảo nghị định, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm.
Những hành vi vi phạm và hình thức xử phạt nêu tại dự thảo Nghị định mới lần này được Bộ Xây dựng nghiên cứu kỹ, hình phạt (bao gồm hình phạt chính và bổ sung) đã nặng tính răn đe, chủ đầu tư không trung thực, dấu diếm thông tin sẽ bị xử lý. Quyền lợi của khách hàng và người dân được pháp luật bảo vệ, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của hành vi vi phạm hành chính gây ra.