Thời bùng nổ của nhiều show truyền hình thực tế, các cuộc thi âm nhạc truyền hình nở rộ, vấn đề bản quyền âm nhạc lại “nóng” hơn lúc nào khác.
Tin nên đọc
Đêm hội trăng rằm – Đưa Trung thu về với biển, đảo
Khám phá bánh trung thu của các nước Châu Á
10 bộ phim Châu Á được kỳ vọng gây sốt cuối năm 2016
Giọng hát Việt nhí 2016: HLV Noo Phước Thịnh là nhân tố tạo ra sức hút?
Mới đây, trên một trang bản quyền âm nhạc Club G Music (CGM) đã lên tiếng tố cáo Công ty Truyền thông Cát Tiên Sa (CATS) vi phạm bản quyền trong chương trình The Remix 2016. Trong đó có nhiều sản phẩm bản quyền do CGM nắm giữ.
Theo như thông tin trên trang này cho biết vào đầu tháng 1.2016, VTV9 phát sóng chương trình talkshow “Bản quyền âm nhạc và rào cản của sự sáng tạo” với khách mời là ông Trần Việt Dũng, người đại diện phụ trách bản quyền của CGM tại Việt Nam, trong đó có lấy một đoạn ngắn từ chương trình The Remix mà theo CGM là đã vi phạm bản quyền. Clip này được đăng trên Youtube nhưng sau đó đã bị gỡ xuống không có lí do. CGM cho rằng CATS đã khiếu nại vi phạm bản quyền và clip bị gỡ xuống.
Cũng thông tin từ CGM, hãng này đã bỏ thời gian để xem lại tất cả các video trong chương trình The Remix mùa thứ 2 và cho rằng show này đã sử dụng 29 ca khúc quốc tế, trong đó có những sản phẩm của CGM mà không xin phép. Câu hỏi được CGM đặt ra “Liệu CATS đã mua đầy đủ các giấy phép cho từng ca khúc sử dụng cho chương trình The Remix 2016?”.
Có lẽ không riêng gì CGM, câu hỏi này vẫn là dấu hỏi lớn đối với việc chi trả tác quyền trong các chương trình gameshow, truyền hình thực tế thời gian qua.
Không riêng chương trình The Remix mà còn rất nhiều các show truyền hình thực tế, các cuộc thi âm nhạc đang đầy rẫy trên truyền hình hiện nay như Thần tượng âm nhạc; Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn… Bởi thực tế, đã có không ít các cuộc ồn ào, tranh cãi về việc nhiều chương trình truyền hình sử dụng các ca khúc thậm chí đã được mua độc quyền một cách vô tội vạ mà không hề xin phép tác giả.
Trong đó phải kể đến các cuộc thi âm nhạc do CATS tổ chức. Không dưới một lần cuộc thi Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn… đều bị các ca sĩ, nhạc sĩ lên tiếng phản ứng vì hành động coi thường tác giả và vô tư “xài chùa”.
|
Thông tin tố cáo trên trang mạng của CGM. |
Ca sĩ Tuấn Hưng đã phải lên trang cá nhân để “bày tỏ” về thói quen xấu của không ít các chương trình truyền hình hiện nay. Cụ thể, ca sĩ này đã phản ứng khi một thí sinh đã dùng ca khúc độc quyền “Tìm lại bầu trời” trong Nhân tố bí ẩn mà không hề xin phép. Trước đó, nhạc sĩ Tiến Minh phản ứng về việc thí sinh Bùi Anh Tuấn sử dụng “Nơi tình yêu bắt đầu”; Nguyễn Đình Thanh Tâm lên tiếng về “Vết mưa”… Tất cả đều chung một điểm là “xài chùa” không xin phép tác giả. Rất nhiều những vụ việc vi phạm bản quyền liên tục bị “tố cáo”.
Thế nhưng, đáng tiếc mọi việc đều dừng lại ở lời xin lỗi và bỏ qua. Điệp khúc mà ai cũng có thể đoán được mỗi khi có những lùm xùm, tố cáo nhau giữa người bị “đánh cắp” và “kẻ cắp”. Sự thỏa hiệp nhanh chóng của các chủ sở hữu đã khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc, nhất là trong các chương trình truyền hình ngày càng nhiều và có dấu hiệu lờn thuốc.
Nhạc sĩ Đ.T cho rằng “Việc vi phạm bản quyền âm nhạc, nhất là trên các chương trình truyền hình hiện nay rất phổ biến. Các nhà sản xuất họ có cỗ máy kiếm ra lợi nhuận khổng lồ từ thí sinh. Nhưng việc trả tiền bản quyền cho tác giả thì lại bị họ phớt lờ, hoặc làm ngơ. Đến khi nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng thì họ mới xin lỗi và trả tác quyền. Đây là một cách làm không chuyên nghiệp nếu không muốn nói là ý thức kém”.
Cũng có những ý kiến cho rằng, các thí sinh tham gia các cuộc thi truyền hình tại sao phải trả tiền tác quyền, bởi họ không biểu diễn kiếm tiền? Xin thưa, trong trường hợp này thí sinh không phải là đối tượng thụ lợi trực tiếp nhưng nhà đài, đơn vị sản xuất thì ngược lại. Họ thu lợi nhuận từ chương trình và các tiết mục của thí sinh.
Nền công nghiệp văn hóa không thể phát triển, chuyên nghiệp nếu cứ thói quen “xài chùa”. Kêu gọi người nghe, người xem có ý thức, nhưng chính các nhà đài, các đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình lại đang cho thấy điều ngược lại. Kèm với đó là những thói xấu: vay mượn, “đạo” nhạc một cách công khai của một bộ phận không nhỏ ca sĩ, nghệ sĩ trẻ. Nếu cứ làm sai, xin lỗi và tiếp tục sai thì câu chuyện bản quyền vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn không hồi kết.