Tòa án nhân dân TP Hà Nội hôm ấy đẫm trong nước mắt bởi hình ảnh những người mẹ ôm ghì di ảnh con mình, co ro nơi góc tường khiến người ta chẳng thể cầm lòng.
Ngày 26/11/2015, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1973, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Ánh Hồ (SN 1969, trú tại phường Cống Vị, quận Ba Đình) về tội danh giết người và không tố giác tội phạm.
Theo nội dung về vụ án, lúc 12h30 ngày 19/11/2012, anh Trần Hữu Tuấn Tú, 34 tuổi, trú ở Phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng và 2 người bạn vào quán bún ăn uống. Trước đó, Nguyễn Ánh Hồ và Phạm Thị Hồng Minh cũng đang ngồi uống bia trước cửa nhà Nguyễn Ánh Hồ, cạnh quán bún.
|
Bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo tại phiên tòa sáng 26/11. |
Quá trình ăn uống, giữa hai bên đã nảy sinh mâu thuẫn. Lập tức, Nguyễn Ánh Hồ gọi điện thoại cho Bảo và đối tượng tên Thắng đến truy sát 3 vị khách trong quán bún bằng dao và kéo của quán ăn.
Hai nạn nhân Tú và Minh tử vong bởi những vết đâm hiểm ác vào tim và vùng bụng, đầu. Còn anh Nguyễn Anh Hoa do được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Với những diễn biến bất ngờ đến từ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Mồ con đã xanh cỏ...
Sau lời phán quyết này của vị chủ tọa, mặc dù các đồng chí công an làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh phiên tòa đã mời mọi người ra ngoài, ai nấy cũng đã ra về gần hết nhưng bà Hoàng Thị Nguyệt (64 tuổi, mẹ của nạn nhân Tú) vẫn ôm di ảnh của con trai mình và thẫn thờ không đứng dậy.
Dường như quãng trí nhớ của bà lúc này đang dồn hết về ký ức tươi đẹp khi người con trai xấu số của mình chưa ra đi. Đôi lông mày già nua nheo xuống, rúm ró tội nghiệp, hai hàng nước mắt lăn dài trên làn da mỏng dính, nhăn nheo.
|
Những người mẹ ôm di ảnh con gục khóc tại tòa. |
Cho dù tuổi bà chưa phải là cao nhưng dường như sự mất mát, đau thương cùng với những vất vả của cuộc đời đã khiến bà già như một bà lão. Phải lay mấy lần bà mới giật mình khom lưng đứng dậy và lững thững bước ra khỏi phòng xử trong hai hàng nước mắt tuôn trào.
... mà án vẫn chưa tuyên
Bà nức nở: “Chỉ tội cho thằng con tôi nơi chín suối, làm sao nó có thể yên nghỉ nổi trong khi bản án cuối cùng vẫn còn dai dẳng chưa tuyên? Nhiều lần tôi gặp gia đình bị cáo tại tòa nhưng người ta không một lời động viên chào hỏi, con tôi đã "xanh cỏ" từ lâu nhưng có lẽ linh hồn nó vẫn đang mong một nén nhang xin lỗi...”.
Đi bên cạnh và ôm ghì một di ảnh khác cũng là một người đàn bà già trước tuổi mang dáng vẻ tội nghiệp như vậy. Đó là bà Bùi Thị Ngọc, mẹ nạn nhân Minh. Câu chuyện xảy ra đã được nhiều năm nhưng có lẽ đó là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời người mẹ đáng thương này.
Bà phân trần: "Kể ra con trai tôi vì chơi bời, nợ nần mà bị giang hồ giết hại thì chớ, đằng này nó là đứa con ngoan ngoãn, là đứa cháu đích tôn độc nhất của cả dòng họ...".
Nói đến đây, đôi chân gầy yếu của bà khụy xuống giữa những bậc cầu thang ở tầng thứ 2 bên cạnh phòng xét xử.
Rồi trong hơi thở gấp gáp, bà giãi bày nỗi lòng: "Chồng tôi vừa đi mổ chân về, con gái lại bệnh tật ốm đau liên miên nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ dựa vào cái chết của con trai tôi để đòi bồi thường. Vậy mà người ta nỡ vu oan cho gia đình tôi là đã bồi thường 100 triệu...".
Sau vài phút lấy lại bình tĩnh, người đàn bà yếu ớt ấy bỗng trở nên mạnh mẽ lạ thường, "tôi không cần gì hết, chỉ mong pháp luật xử đúng người, đúng tội để con trai tôi được an nghỉ nơi suối vàng”.
Phiên tòa hôm ấy lại phải trả hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung bởi những mâu thuẫn xoay quanh lời khai của các bị cáo, người làm chứng và nhiều tình tiết cần phải được làm rõ khác.
Dẫu rằng bát nước đổ đi thì không bao giờ lấy lại được nhưng đôi khi một cái nắm tay, một lời xin lỗi của kẻ lầm lỡ lại khiến cho hận thù tan biến thành khói mây. Chẳng thiếu gì những phiên tòa mà bị hại, gia đình bị hại hết lời khẩn cầu xin tòa cho "kẻ thù" của mình được giảm án để sớm trở về hoàn lương.
Vậy nhưng phiên tòa hôm ấy chỉ có sự lạnh lùng, vô cảm bao trùm những hàng ghế lạnh lẽo. Gia đình bị hại ngồi co ro ở hàng ghế bên phải của tòa còn gia đình bị cáo ngồi bên trái và thay đổi chỗ ngồi liên tục, đi ra đi vào nói cười như một sự thách thức lạ kỳ, khó lý giải?