Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, thời gian qua TP.HCM đã có nhiều giải pháp ngăn chặn bệnh dại và quản lý, xử lý đàn chó mèo chưa tiêm phòng. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ các địa phương trong việc bắt chó thả rông.
Tính đến hiện tại, TP.HCM có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. Trong đó, 5 đội ở TP Thủ Đức, 2 đội quận 1, 1 đội quận 6, 10 đội quận 7, 2 đội quận 10, 11 đội quận 12, 12 đội quận Gò Vấp, 1 đội quận Bình Thạnh, 7 đội huyện Cần Giờ, 6 đội ở Củ Chi, 2 đội ở Hóc Môn.
TP.HCM hiện có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. |
Tuy Chi cục không có chức năng, trực tiếp thành lập đội bắt chó thả rông (thuộc trách nhiệm của từng địa phương) nhưng vẫn hỗ trợ bằng cách tập huấn nhân sự, hướng dẫn cách bắt chó cho các địa phương và hỗ trợ các xe chuyên dụng, dụng cụ bắt chó, lồng nhốt và cả về cách xử lý.
Chi cục phối hợp với các quận huyện tổ chức tiêm phòng cho đàn chó mèo (hỗ trợ 50% chi phí vắc xin tại 5 huyện ngoại thành).
Tập trung tiêm phòng vắc xin đại trà vào khoảng tháng 3 - 5 hằng năm và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi. Từ đó, giúp tỉ lệ tiêm phòng hằng năm luôn trên 88% tổng đàn kiểm tra.
Phối hợp với các xã phường rà soát tình hình biến động đàn chó, mèo định kỳ 2 lần/năm (vào ngày 1/1 và ngày 1/7), cập nhật vào phần mềm quản lý thống kê gia súc.
Những việc làm này để quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo và hỗ trợ tổ chức tiêm phòng, quản lý mẫu giám sát tiêm phòng.
Chó thả rông gây mất mỹ quan đô thị và nguy hiểm cho con người. |
Chó thả rông sau khi bắt sẽ được tạm giữ ở điểm cách xa khu vực dân cư không ảnh hưởng đến môi trường. Chủ nuôi muốn nhận lại chó phải nộp phạt vi phạm hành chính và cam kết không để chó chạy rông. Sau 48 giờ, nếu chó không có người đến nhận sẽ giao cho các đơn vị thú y để nghiên cứu khoa học, xử lý theo quy định.
TP.HCM hiện có khoảng 183.700 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 10.000 trường hợp đi tiêm ngừa phòng dại vì bị vật nuôi cắn.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM khuyến cáo người dân, khi thấy chó, mèo có triệu chứng bệnh dại, ví dụ: chó, mèo thường trốn vào góc tối, kín đáo, tỏ ra vồn vã thái quá, sủa vu vơ, tru lên từng hồi, nhảy lên đớp không khí, chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu, chó bỏ ăn, nuốt khó, sốt, giãn đồng tử… phải nhốt riêng và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để xử lý kịp thời, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trong cộng đồng.