Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh năm 2023.
Số liệu báo cáo của Công an TP và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP cho thấy, trong năm 2023, các đơn vị đã bắt và xử lý 45 trường hợp khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp với 107 phương tiện. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính khoảng 2.643.450.000 đồng, tịch thu 12.489,84 m3 cát.
Đặc biệt, vào ngày 5/12/2023, Công an TP đã triệt phá nhóm đối tượng do Lê Thị Như Ngọc cầm đầu, thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa TP Thủ Đức và TP Biên Hòa (Đồng Nai). Các đối tượng trong đường dây này đã núp bóng doanh nghiệp khai thác cát trái phép trong thời gian dài trên sông Đồng Nai, với trữ lượng khai thác hơn 11.000m3, qua đó thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Hiện Công an TP đã khởi tố vụ án, khởi tố sáu bị can và đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Đối tượng cầm đầu Lê Thị Như Ngọc cùng các đối tượng liên quan trong vụ án khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. |
Theo Sở TN-MT TP.HCM, việc phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, hiện nay địa điểm tập kết tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm còn hạn chế. Điều này gây khó khăn cho việc trông giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm, không bảo đảm an toàn, dễ hư hỏng, thất thoát.
Ngoài ra, việc chế tài xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Công tác phối hợp của một số phường, xã, khu vực giáp ranh với thành phố đến nay vẫn chưa thực sự đồng bộ.
Tàu khai thác cát trái phép ở TP.HCM. |
Trong năm 2023, các hoạt động đầu tư công trong việc phát triển hạ tầng giao thông được đẩy mạnh trên cả nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng cát san lấp, cát xây dựng cũng ngày càng gia tăng trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.
Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy, TP.HCM đã không cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát nói riêng từ năm 2013. Đồng thời, việc cấp phép khai thác cát ở các tỉnh thành cũng rất hạn chế. Từ đó, lợi nhuận từ hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép tăng mạnh, thúc đẩy hoạt động khai thác vận chuyển cát trái phép vẫn âm thầm diễn ra.
Khai thác cát trái phép ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và an toàn giao thông đường thủy. |
Thời gian qua, nhiều đối tượng đã bất chấp những quy định của pháp luật, ngang nhiên khai thác, vận chuyển cát trái phép trên sông và cửa biển. Việc này không chỉ làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, làm sạt lở đất đai, đê điều, cầu cống mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và an toàn giao thông đường thủy.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, lực lượng Biên phòng TP.HCM đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp để đấu tranh với các loại đối tượng này. Tuy nhiên vẫn còn một số địa điểm thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép như: Tuyến sông Đồng Nai; sông Tắc; sông Sài Gòn từ xã Trung An đến xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi); khu vực huyện Cần Giờ chủ yếu tập trung tại khu vực xã Tam Thôn Hiệp, Long Hòa, Lý Nhơn và vùng biển Cần Giờ.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng địa bàn giáp ranh, đêm tối, đoạn sông vắng người để đưa phương tiện gắn máy bơm hút cát có công suất lớn, bơm hút cát trái phép sang các ghe mua vận chuyển đi tiêu thụ, hành vi hút cát trái phép diễn ra trong thời gian ngắn.