Dự lễ khai hội có bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM; bà Trần Kim Yến - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cùng hàng ngàn lượt người dân và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố đến thăm viếng, cầu chúc đầu năm mới.
Lễ hội "Khai hạ - Cầu an" là sự kiện văn hóa truyền thống của TP HCM, diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt với các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.
Lễ hội xuất phát từ việc Đức tả quân Lê Văn Duyệt lúc đương thời đã chọn ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày Hạ nêu) làm ngày Khai hạ. Đồng thời, cũng là ngày khai sơn, khai quốc, khai ấn để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
![]() |
Lễ hội “Khai hạ - Cầu an” sáng mùng 7 Tết Ất Tỵ tại Lăng Ông Lê Văn Duyệt rộn ràng tiết mục múa Lân Sư Rồng. |
Lễ hội được tổ chức theo 4 phần gồm: Hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Lễ được bắt đầu bằng nghi thức hạ cây nêu. Theo phong tục truyền thống, cây nêu dựng lên để trừ tà, không cho ma quỷ đến nhà, gia đình ăn Tết được bình yên. Trước đó, vào ngày 30 Tết, sau khi cúng thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt) tại sân Lăng, lễ dựng nêu diễn ra đánh dấu một năm kết thúc, đồng thời báo hiệu Tết đến, Xuân về.
Sau nghi thức hạ nêu, Ban Quý tế tiếp tục thực hiện nghi thức khai hạ rước lễ vào điện thờ và thực hiện dâng hương, dâng rượu, đọc văn khấn nguyện cho các bậc tiền nhân, cầu an quốc gia thịnh trị. Tiếp theo là nghi thức khai bút đầu Xuân. Theo tục lệ, khai bút là bước vào một năm mới; khi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên, người viết chọn những điều hay và tốt đẹp nhằm cầu mong cho một năm được tốt lành.
![]() |
Nghi thức Khai hạ - Cầu an. |
Theo ông Lê Văn Ngọc - Trưởng Ban Quản lý Lăng Ông Lê Văn Duyệt – TP HCM, ngày 4/4/2022, Lễ hội "Khai hạ - Cầu an" tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP HCM, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngay sau lễ khai hội, lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, như triển lãm ảnh nghệ thuật - kiến trúc, viết thư pháp, múa lân, dân ca, đờn ca tài tử; hát bội,…
![]() |
Trong Lễ Khai hạ - Cầu an, nhiều tiết mục chầu hát bội diễn ra sống động, tinh tế. |
Cùng ngày, trong khuôn khổ lễ hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP HCM cùng Ban tổ chức lễ hội đã phát động "Tết Trồng cây" - một nét văn hóa truyền thống ý nghĩa của dân tộc. Trong đó, Ban tổ chức đã trao tặng 2 cây trắc bá diệp để trồng lưu niệm tại di tích lịch sử quốc gia Lăng Ông; đồng thời trao tặng 1.500 cây cho 15 phường của quận Bình Thạnh, TP HCM.
Được biết, TP HCM có 3 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ), Lễ hội Nguyên Tiêu (Quận 5) và Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh).
![]() |
Người dân đến thăm viếng, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. |
Nhiều năm qua, Lễ hội “Khai hạ - Cầu an” đầu năm tại Lăng Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt đã thu hút hàng nghìn lượt người tham dự không chỉ tại TP HCM mà còn từ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Lễ hội được tổ chức để cầu mong mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông, thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ đất nước.