Theo đơn phản ánh, nguồn gốc phần đất bị thu hồi đã được gia đình bà Trần Thị Ngọc Hà (ngụ quận Thủ Đức) sử dụng ổn định từ trước năm 1993 nhưng không được chính quyền địa phương đền bù thỏa đáng. Bức xúc, bà Hà làm đơn kêu cứu, đồng thời tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Đất có nguồn gốc rõ ràng nhưng không được bồi thường?
Theo hồ sơ thể hiện, ngày 02/02/2016, UBND quận Thủ Đức đã ra Quyết định số 513/QĐ-UBND (QĐ thu hồi đất) thu hồi 126,7m2 đất do bà Trần Thị Ngọc Hà (ngụ số 900 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức - là người đại diện những người được thừa kế của ông Trần Văn Khanh và bà Đoàn Thị Ni) sử dụng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức để thực hiện dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang (quận Thủ Đức).
|
Căn nhà số 900 Kha Vạn Cân (dấu X), quận Thủ Đức của gia đình bà Hà |
Theo Quyết định trên, vị trí khu đất thuộc một phần thửa 49, tờ bản đồ số 15, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (tài liệu 2005) và một phần rạch (a), tờ bản đồ số 02, xã Linh Đông, huyện Thủ Đức (tài liệu 299/TTg).
Quyết định do ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức ký.
Tiếp đó, ngày 28/3/2016, UBND quận Thủ Đức ra Quyết định số 1379/QĐ–UBND về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho bà Hà tổng cộng vỏn vẹn 14.000.000đ. Cụ thể: Bồi thường hỗ trợ về đất: 0đ; Bồi thường hỗ trợ nhà, vật kiến trúc: 1.500.000đ; Bồi thường hoa màu: 0đ; Các khoản hỗ trợ khác: 10.000.000đ; Khen thưởng: 2.500.000đ (sẽ chi trả sau khi bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định).
|
Quyết định Thu hồi đất của gia đình bà Hà |
Nhận được các quyết định trên, bà Hà và các thành viên khác trong gia đình (tổng cộng gồm 18 người) đã vô cùng bức xúc, phản đối gay gắt. Mọi người cho rằng, các quyết định trên của UBND quận Thủ Đức thiếu khách quan, sai lệch so với thực tế. (?)
Sau đó, bà Hà đã làm đơn kêu cứu, đồng thời tố cáo vụ việc đến báo chí cùng các cơ quan chức năng TP HCM.
|
Quyết định chi trả bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của bà Hà, trong đó bà Hà không được bồi thường hỗ trợ phần đất bị thu hồi |
Theo bà Hà, nhà và đất bị thu hồi, giải tỏa để thực hiện dự án đã được gia đình bà sử dụng liên tục, ổn định từ trước Luật Đất đai năm 1993 nên phải được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, bà Hà đưa ra những bằng chứng chứng minh như: Sổ đăng ký hộ khẩu xã Linh Đông, huyện Thủ Đức (sau này là quận Thủ Đức) xác nhận ngày 6/8/1975; Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú ngày 01/10/1976; Bản kê khai nhà cửa do Tổng cục Thống kê ban hành theo Quyết định số 74-CP ngày 23/03/1977 của Hội đồng Chính phủ; Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú ngày 10/03/1982; Thông báo và Biên lai thu thuế do ông Trần Văn Khanh (cha bà Hà) đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất ở nằm trong phần đất trên; Tờ Đăng ký nhà đất năm 1999 (trong đó có ghi đặc điểm của thửa đất: tờ bản đồ số 02, thửa đất số 57, diện tích 162m2, diện tích sử dụng riêng 38,5m2)...
|
Bản kê khai nhà cửa của cha bà Hà lập năm 1977 |
|
Thông báo về việc nộp thuế của cha bà Hà |
Trong khi đó theo bà Hà, QĐ thu hồi đất của UBND quận Thủ Đức lại căn cứ vào tài liệu là Chỉ thị số 299/TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10/11/1980 chỉ thị về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất để cho rằng phần đất có căn nhà số 900 Kha Vạn Cân trên là một phần con rạch là điều bất hợp lý.
“Căn cứ tài liệu 299/TTg năm 1980, UBND quận Thủ Đức đã “hô biến” phần đất có căn nhà số 900 của gia đình tôi trở thành con rạch, từ đó không đưa ra phương án đền bù là trái quy định pháp luật”, bà Hà bức xúc trình bày.
Khẩn thiết kêu cứu
Như đã nêu, dù đưa ra rất nhiều bằng chứng chứng minh cho tính pháp lý của nhà và đất tại số 900 Kha Vạn Cân nhưng bà Hà vẫn không được các cơ quan chức năng quận Thủ Đức công nhận để giải quyết quyền lợi.
Đến ngày 28/7/2016, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức (lúc này là ông Đặng Nguyễn Thanh Minh) ký quyết định Số 4391/QĐ–UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất của bà Hà để thực hiện dự án.
Gia đình bà Hà tiếp tục phản đối quyết liệt, kiên quyết không thực hiện tháo dở nhà cửa để di dời, từ đó khiến tình hình an ninh trật tự tại khu vực diễn biến khá phức tạp.
Bà Hà cho biết, gia đình bà hoàn toàn đồng tình việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phục vụ công ích, nhưng với điều kiện UBND quận Thủ Đức phải đưa ra phương án hỗ trợ, đền bù thỏa đáng.
Trình bày với phóng viên, bà Hà không giấu được vẻ lo lắng, hoang mang: “Nếu chính quyền không xem xét giải quyết đúng quyền lợi, 18 thành viên trong gia đình tôi có lẽ sẽ phải chịu cảnh sống chui rúc đầu đường xó chợ. Gia đình không còn nơi buôn bán, thất nghiệp, trong nhà có đến 9 cháu nhỏ đang theo học có thể phải nghỉ giữa chừng vì cha mẹ không nuôi nổi. Tương lai của chúng không biết sẽ ra sao?”.
|
Đơn kêu cứu của bà Hà gửi báo Pháp luật Việt Nam |
Lần giở tập hồ sơ trên tay, bà Hà chua xót nói: “Tôi cầu mong các cơ quan ban ngành TP HCM xem xét cứu lấy số phận gia đình tôi”.
Ngày 23/12/2017, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức thông tin: “Người dân hầu như lấn chiếm hành lang của rạch nên chính quyền buộc phải làm (cưỡng chế giải tỏa - PV). Đất này là đất lấn chiếm nên không thể bồi thường được, chỉ hỗ trợ người dân. Ủy ban quận đã vận dụng hết chế độ chính sách để hỗ trợ, còn về quyền lợi của mình người dân cứ khiếu nại. Ủy ban sẽ sắp xếp lịch để trao đổi thông tin minh bạch với báo”.
Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Đình, Văn phòng Luật sư Sự thật và Công lý TP HCM cho rằng: Nếu trình bày của bà Hà là đúng sự thật thì bà Hà có quyền yêu cầu UBND quận Thủ Đức thực hiện công tác đền bù khi giải tỏa mặt bằng theo luật định. Trong trường hợp UBND quận Thủ Đức không đền bù thỏa đáng thì gia đình bà Hà có quyền khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại đến cơ quan cao hơn.
Tại Điều 75, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;...
Đồng thời, diện tích đất của bà Hà sử dụng đất ổn định trước thời điểm 01/07/2004 theo Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì có đủ điều kiện được cấp GCN QSDĐ.
Trong khi Đơn tố cáo của bà Hà đã được Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam TP HCM có văn bản chuyển cho UBND TP HCM thụ lý giải quyết theo thẩm quyền thì ngày 19/12/2017, UBND quận Thủ Đức có Thông báo số 1173/TB-UBND về việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình thuộc diện phải giải tỏa đối với gia đình bà Hà. Thời gian cưỡng chế sẽ diễn ra vào sáng ngày 25/12/2017. |
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.