Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) ngày 29/6 cho biết sẽ đưa ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển đông vào ngày 12/7 tới.
Theo AFP, PCA là tòa án quốc tế lâu đời nhất của thế giới được thành lập để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các nước.
|
Tòa Trọng tài ra phán quyết vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7. |
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 28/6, Tòa này cho biết đã thông báo cho các bên rằng Tòa sẽ đưa ra phán quyết trong vụ kiện do Philippines đệ trình vào khoảng 9h00 GMT ngày 12/7.
Quyết định bằng văn bản của tòa đầu tiên sẽ được gửi tới các bên, sau đó được công bố với báo chí và được đăng tải lên trang web của PCA.
Theo tờ The Diplomat, thủ tục tố tụng tại PCA được khởi xướng theo Phụ lục VII của Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối tham gia phiên tòa vì cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử vụ việc.
Hồi tháng 10 năm ngoái, PCA tuyên bố có thẩm quyền xét xử đối với hầu hết các vấn đề do Philippines đệ trình với lý do vụ kiện được đệ trình phù hợp theo UNCLOS và rằng việc Trung Quốc không tham gia phiên tòa sẽ không ảnh hưởng tới thẩm quyền xét xử của Tòa.
Các chuyên gia cho rằng, phán quyết của PCA khi được ban hành sẽ có tác động địa chính trị ngay lập tức tới tranh chấp ở Biển Đông.
Bởi, dù Tòa không ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ của các cấu trúc ở khu vực này nhưng nó sẽ quyết định về tình trạng của một số cấu trúc đang có tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, quyết định về tình trạng của các cấu trúc sẽ giúp xác định được các quy chế hàng hải hợp pháp mà các nước có thể xác lập từ các cấu trúc đó theo UNCLOS.
Theo UNCLOS, các đảo sẽ được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý.
Ngược lại, các bãi đá được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý nhưng không có EEZ.
Còn các đảo nhân tạo như các đảo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép ở 7 cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ không được hưởng quy chế hàng hải nào.
PCA cũng có thể đặt nghi vấn hoặc bác bỏ yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông với lý do yêu sách này không có cơ sở theo luật pháp quốc tế dù Bắc Kinh cho rằng tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông được đưa ra dựa trên các quyền lịch sử của họ.
Reuters cho hay, trong một tuyên bố dài được đưa ra sau thông báo của PCA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một lần nữa cho rằng Tòa trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ việc và các vấn đề liên quan.
“Việc Philippines đơn phương gửi vụ kiện trọng tài về Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế” - ông Hồng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại việc Trung Quốc sẽ không chấp nhận biện pháp giải quyết tranh chấp nào do bên thứ 3 đệ trình và hay biện pháp giải quyết tranh chấp có tính ép buộc đối với nước này.
Trong khi đó, tại Manila, Thư ký truyền thông của Tổng thống Herminio Coloma Jr tuyên bố Philippines “mong đợi một phán quyết công bằng và công tâm nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen cũng đã có phát biểu tái khẳng định việc Mỹ ủng hộ phán quyết của PCA.
Giới chức Mỹ hiện lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng với một phán quyết được nhiều người cho rằng sẽ bất lợi với Bắc Kinh bằng việc tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như nước này đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013 và đẩy nhanh các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo.
Phía Mỹ tuyên bố, ngoài việc gây áp lực về mặt ngoại giao, Mỹ sẽ đáp trả những động thái như vậy bằng cách tăng tốc tuần tra tự do hàng hải cũng như tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho các nước Đông Nam Á.