Trong tháng 6, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (Chỉ thị số 12, 23, 29, 32).
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại buổi họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6 năm 2017.
Cũng trong tháng 6, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát bổ sung những quy định chặt chẽ hơn trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhất là hạng D, E, FC; tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải một số Sở Giao thông vận tải và doanh nghiệp vận tải.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Bên cạnh đó, chỉ đạo Tổng cục đường bộ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổng kết đánh giá và sửa đổi quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải; tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu xử phạt trật tự, an toàn giao thông với công tác quản lý cấp giấy phép lái xe để bảo đảm không cấp giấy phép lái xe cho lái xe trong thời gian bị tước giấy phép lái xe.
Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe bị xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông và gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; cương quyết xử lý rút giấy phép các cơ sở đào tạo, sát hạch có vi phạm, làm trái pháp luật, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; có kế hoạch kiên quyết xóa bỏ các điểm đen về tai nạn giao thông;
chấm dứt và xóa các đường dân sinh tự phát cắt qua đường sắt; phối hợp với địa phương vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... đóng góp kinh phí xây dựng đường gom, làm rào chắn song song với đường ray tầu hỏa đi qua các khu vực dân cư, đô thị... phối hợp đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức phong trào tự quản, vận động tình nguyện viên để quản lý, canh gác, cảnh báo các điểm giao cắt đường dân sinh qua đường sắt.