Hơn 82% doanh nghiệp chế biến chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong cuối năm 2024.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 34.7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2024; 42.6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22.7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2024, có 42.2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2024; 40.4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17.4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
|
Tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn trong quý IV/2024. |
Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI lạc quan nhất với 84.8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 81.7% và 81.1%.
Về khối lượng sản xuất, có 36.9% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2024 tăng so với quý II/2024; 41.0% số doanh nghiệp cho rằng ổn định và 22.1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 41.8% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 41.8% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 16.4% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 33.3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2024 cao hơn quý II/2024; 44.1% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định và 22.6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 40.5% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng; 43.3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 16.2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.
|
Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2024. |
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2024 so với quý II/2024, có 29.8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 48.0% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 22.2% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý IV/2024 so với quý III/2024, có 36.0% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 47.6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16.4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Theo thống kê một số yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như:
Trong quý III/2024, ba khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể: có 53,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 50,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi trở lại.
Đánh giá về các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh, vốn vẫn là điểm nghẽn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,5% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 21,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do lãi suất vay vốn cao và vẫn còn 3,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có khả năng tiếp cận được các nguồn vốn vay. Về lao động, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng các yêu cầu về đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp.
Về nguyên, nhiên, vật liệu, vẫn còn 18,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Đánh giá về năng lực nội tại của doanh nghiệp, có 15,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiết bị, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chưa có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến hơn; 21,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do sản phẩm doanh nghiệp sản xuất phải cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu cùng loại.