UBND tỉnh Thái Bình vừa công bố kết quả khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố tỉnh Thái Bình (DDCI) năm 2024. Đây là năm thứ 4 tỉnh Thái Bình triển khai khảo sát đánh giá DDCI.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình và đơn vị tư vấn vừa công bố chi tiết kết quả khảo sát và phân tích từng chỉ số thành phần chấm điểm của các sở ngành, các huyện thành phố. Kết quả Bộ chỉ số DDCI năm 2024, đối với khối sở, ban, ngành: Sở Xây dựng dẫn đầu bảng xếp hạng khối sở, ngành với 83 điểm; xếp thứ hai là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với 81,98 điểm; xếp thứ ba là Công an tỉnh với 80,35 điểm; xếp cuối bảng là Sở Giáo dục và Đào tạo với 72,96 điểm.
Xếp hạng đối với khối địa phương: Đứng đầu là thành phố Thái Bình với 86,28 điểm; xếp thứ hai là huyện Quỳnh Phụ 86,14 điểm, Đông Hưng 85,44 điểm tiếp đến là các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Hưng Hà, Vũ Thư.
|
Các doanh nghiệp “chấm điểm” đánh giá mức độ hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. |
Bộ Chỉ số DDCI tỉnh Thái Bình năm 2024 được UBND tỉnh giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị tư vấn phối hợp làm sạch dữ liệu và lựa chọn ngẫu nhiên 4.082 mẫu khảo sát của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công tại 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 08 huyện.
Cuộc khảo sát thu về 2.368 phiếu đánh giá đối với 29 đơn vị được khảo sát. Số lượng mẫu phiếu khảo sát năm 2024 tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Đặc biệt, Bộ chỉ số DDCI 2024 còn lấy ý kiến đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và 14 hội thành viên của Hiệp hội.
Việc khảo sát có sự tham gia của Cục Thống kê tỉnh. Báo cáo DDCI 2024 của Thái Bình cũng dành riêng một phần để đánh giá, xếp hạng các sở, ban, ngành và các địa phương về Chỉ số Tăng trưởng Xanh và Bền vững.
Chỉ số này cũng là một sáng kiến nhằm hưởng ứng sáng kiến về Chỉ số Tăng trưởng Xanh (PGI) được VCCI bắt đầu triển khai thực hiện trong những năm gần đây bên cạnh chỉ số PCI.
Phương thức điều tra khảo sát được tiến hành song song 2 phương pháp trực tiếp (15,12%) và trực tuyến (84,88%) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lựa chọn cách thức ghi phiếu trả lời. Đây là năm thứ 4 tỉnh Thái Bình triển khai khảo sát đánh giá DDCI.
Theo đó, các doanh nghiệp “chấm điểm” đánh giá mức độ hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Đối với cấp sở, ngành được đánh giá dựa trên 8 chỉ số thành phần gồm: thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; hiệu lực thiết chế; tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Đối với các huyện, thành phố được đánh giá bởi 9 chỉ số thành phần bao gồm 8 chỉ số thành phần như cấp sở, ngành và thêm chỉ số tiếp cận đất đai.
|
Năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp đã có những cảm nhận tốt hơn về công tác điều hành kinh tế và quản trị công. |
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc tiếp tục triển khai, đưa vào đánh giá, khảo sát Bộ Chỉ số DDCI tại tỉnh Thái Bình là một quyết định đột phá, là giải pháp quan trọng, hiệu quả để Thái Bình tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI và các Chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương của tỉnh.
Kết quả khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI năm 2024 mức điểm trung bình năm nay cao hơn so với năm 2023 cho thấy năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp đã có những cảm nhận tốt hơn về công tác điều hành kinh tế và quản trị công của các sở, ban, ngành và của chính quyền các huyện, thành phố.
Tuy nhiên, mức điểm này cũng cho thấy còn rất nhiều việc mà các sở, ban, ngành, địa phương phải thực hiện tốt hơn nữa để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.