Những tin chính: Đường phố “ngộp thở” vì chung cư cao tầng; Nhiều bộ, ngành không chịu di dời khỏi khu vực nội đô.....
1. Hà Nội: Thống nhất tiếp nhận quản lý tuyến đường 2.300 tỷ đồng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn cho ý kiến về việc tiếp nhận quản lý, duy tu, duy trì hạ tầng kỹ thuật dự án đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh.
Được biết, đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh được khởi công xây dựng từ ngày 17-10-2011. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến gần 14,955km, qua địa phận Vĩnh Phúc 3km , qua địa phận Hà Nội gần 12km, điểm đầu giao với QL2 tại địa phận xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, điểm cuối giao nhau với đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài tại địa phận xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với vận tốc 80km/h. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 hơn 2.330 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ủy quyền là đại diện chủ đầu tư. Con đường đã khánh thành từ giữa tháng 5-2016.
2. Đường phố “ngộp thở” vì chung cư cao tầng
Là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương đang hàng ngày phải oằn mình chịu cảnh tắc đường thường xuyên. Vào giờ cao điểm, tuyến đường này hỗn độn không khác gì một trận hỗn chiến.
Tình trạng tắc đường tại đây được cho là do thiết kế giao thông, cơ sở vật chất chưa đồng bộ cộng với lượng phân bố dân cư và độ nén của các khu đô thị ngày càng lớn. Theo thông tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương hiện Thành phố đã cấp phép cho 33 dự án chung cư từ 25-35 tầng. Trong số 33 dự án bất động sản này có 15 dự án chưa được triển khai trong đó có 4 tòa nhà tái định cư.
Hiện nay, sức nén của các khu đô thị lên trục đường vẫn không hề có xu hướng dừng lại mà tiếp tục tăng lên khi hàng chục dự án với quy mô lớn đang đổ dồn về các tuyền đường nhỏ nằm xung quanh trục Lê Văn Lương.
3. Phan Thiết: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay
Sau gần hai năm khởi công, sân bay Phan Thiết có thể không kịp hoàn thành vào năm 2018 như kế hoạch. Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo bàn giao đúng tiến độ triển khai dự án. Nhà đầu tư BOT là Công ty Cổ phần Rạng Đông cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công làm cơ sở triển khai xây dựng công trình, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018.
Phần sân bay dân dụng chỉ có thể đưa vào hoạt động khi đường cất hạ cánh của toàn sân bay thuộc hạng mục quân sự hoàn thành. Nhưng đến nay, hạng mục quân sự do Bộ Quốc phòng đảm trách triển khai chậm. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Quốc phòng hoàn tất các thủ tục đầu tư khu bay quân sự, sớm triển khai xây dựng và đưa vào khai thác đồng bộ với phần hàng không dân dụng.
4. TP. HCM: Làm rõ vụ "đô thị vệ tinh thành ốc đảo”
UBND thành phố HCM vừa giao các sở, ban, ngành rà soát, làm rõ các nguyên nhân trong quản lý quy hoạch đô thị dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ giữa hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải tại các điểm có hoạt động đón trả khách; xử lý nghiêm các sai phạm về xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo giải quyết triệt để tình trạng “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn TP.
Là đầu mối giao thông lớn nhất cả nước với các loại hình vận tải, thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối diện với tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế- xã hội.
5. Hà Nội: Duyệt nhiệm vụ quy hoạch trung tâm thị trấn Thường Tín
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch trung tâm thị trấn Thường Tín với tổng diện tích đất khoảng 57,3ha, quy mô dân số khoảng 3.200 người.
Nhiệm vụ quy hoạch nhằm rà soát, khớp nối các dự án, đề xuất giải pháp quy hoạch sử dụng đất; tạo lập không gian đô thị hiện đại, đồng bộ về giao thông, công trình hạ tầng; cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu kết hợp xây mới theo quy hoạch hài hòa với các khu vực lân cận, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng và bổ sung hoàn thiện tính chất, chức năng của khu trung tâm hành chính, chính trị huyện Thường Tín. Xác định và quy định khu vực cần kiểm soát, khu vực xây dựng ngầm (nếu có). Xây dựng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt…
6. Nhiều bộ, ngành không chịu di dời khỏi khu vực nội đô
Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành Hà Nội đã phá sản vì nhiều đơn vị không chịu “nhả” trụ sở cũ. Đó là một trong những nội dung được báo cáo giám sát của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội gửi tới kỳ họp 3, HĐND TP Hà Nội khóa XV dự kiến diễn ra vào tuần tới (từ ngày 5 đến 8-12).
Cụ thể, “Một số cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế sau khi di dời đến cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng trụ sở cũ. Việc phê duyệt quy hoạch khu đất xây dựng mới một số bệnh viện để di dời ra khỏi khu vực nội thành chưa đảm bảo yêu cầu của Luật Thủ đô”.
Theo đó báo cáo dẫn chứng một số bộ, ngành không chịu “nhả” những khu đất vàng là trụ sở cũ khi đã có trụ sở mới như Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ, BV Nội tiết Trung ương, BV K…