Theo đánh giá của SSI Research, với sự hỗ trợ của Daewoong Pharma, Traphaco có thể xây dựng danh mục thuốc tân dược chuyển giao công nghệ và giảm thời gian cho R&D sản phẩm mới.
Tuần 23-27/8 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu dược, nổi bật là Traphaco (TRA) khi tăng 17% so với tuần trước lên 91.800 đồng. Trong đó, TRA có 2 phiên tăng trần liên tiếp trong phiên 25 và 26/8. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu TRA đã tăng khoảng 34% và hiện đang tiến gần về đỉnh lịch sử được thiết lập năm 2017.
Cổ phiếu TRA lên cao nhất gần 4 năm
Việc TRA tăng mạnh trong tuần qua bên cạnh yếu tố thuận lợi từ xu hướng chung của nhóm dược còn có thể đến từ kỳ vọng mở rộng sản phẩm dược.
Trong vai trò cổ đông chiến lược, Daewoong Pharma hiện đang có những đóng góp không nhỏ vào hoạt động kinh doanh của Traphaco. Mới đây, Traphaco đã hoàn tất nhận dây chuyền sản xuất 7 loại thuốc tân dược đầu tiên từ Daewoong và chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuốc trong Q1/2021 để bắt đầu sản xuất trong Q3/2021. Sản phẩm mà Traphaco nhận được tập trung vào điều trị bệnh tiểu đường, tiêu hóa & tim mạch, chiếm 23% tổng số ca nhập viện tại Việt Nam theo báo cáo năm 2018 của Cục Quản lý Dược. Traphaco hiện đang đẩy nhanh vòng đàm phán tiếp theo với Daewoong để chuyển giao nhiều sản phẩm hơn vào cuối năm, lên kế hoạch chuyển giao ít nhất 5 sản phẩm mới/ năm trong giai đoạn 2021-2025.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm
Bên cạnh câu chuyện kỳ vọng về thuốc Covid-19 hay chuyển giao công nghệ từ Daewoong, đà bứt phá của cổ phiếu TRA thời gian qua còn đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội trong ngành dược.
Trong 6 tháng đầu năm, Traphaco đạt doanh thu 1.030 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 157 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo SSI Research, doanh thu Traphaco tăng mạnh nhờ doanh thu bán thuốc đông dược tăng, trong khi hưởng lợi từ việc Chính phủ thắt chặt thị trường thực phẩm chức năng.
Cụ thể, doanh thu thuốc đông dược (64% tổng doanh thu) tăng 25% YoY, từ sản phẩm cốt lõi: Boganic, Ampelop & Tottri với tăng trưởng hơn 20% YoY trong nửa đầu năm 2021. Boganic đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu, do 4 dòng sản phẩm phụ mới phát triển: Boganic Kid (bán từ Q3/2019), Boganic Lippi mới (Q4/2019), Trà Boganic (Q3/2020) & Boganic Premium (Q4/2020).
SSI Research đánh giá nhờ tăng đầu tư vào hoạt động R&D và thử nghiệm thị trường trong 5 năm qua đã mang lại kết quả cho Traphaco khi có sự cải tiến đáng kể bao bì sản phẩm/ phân khúc khách hàng và doanh thu trên mỗi sản phẩm. Từ 2021, Traphaco tiếp tục đặt kế hoạch R&D tham vọng là phát triển hoặc đổi mới ít nhất 8 sản phẩm/năm (trước đây là 3-5 sản phẩm/năm), với tỷ lệ thành công bình quân là khoảng 25-30% (tương đương ~2-3 sản phẩm mới mỗi năm). Bên cạnh đó, công ty vẫn mở rộng danh mục sản phẩm hiện tại sang các phân khúc thị trường khác như thức uống sức khỏe, TPCN cao cấp, mỹ phẩm,…
Tiềm năng từ thị trường thực phẩm chức năng
SSI Research đánh giá việc Chính phủ thắt chặt việc bán thực phẩm chức năng (TPCN) thông qua Thông tư 18/2019/TT-BYT đã mang lại nhiều lợi thế cho Traphaco. Cụ thể, thông tư quy định tất cả các TPCN
(sản xuất trong nước và nhập khẩu) đều phải có chứng nhận GMP hoặc GACP từ 2020. Do đó, số lượng nhà sản xuất TPCN đạt tiêu chuẩn giảm trong khi sản phẩm bán lẻ tại nhà thuốc được cơ quan y tế kiểm tra thường xuyên hơn, điều nay giúp Traphaco có lợi thế cạnh tranh nhờ các nhà máy WHO-GACP.
Đối với kênh bệnh viện, Chính phủ áp dụng Thông tư 15/2019/TT-BYT, quy định mới về đấu thầu thuốc đông dược, trong đó chia làm 3 nhóm đấu thầu: WHO-GACP (nhóm đấu thầu cao nhất), WHO-GMP & non-GMP (nhóm đầu thầu thấp nhất) thay vì hai nhóm (WHO-GMP & non-GMP) như trước đây, và số lượng công ty đấu thầu cạnh tranh với TRA nằm trong nhóm WHO-GACP giảm từ 34 xuống dưới 11, giúp TRA dễ đấu thầu thành công các hợp đồng lớn.
Bên cạnh đó, thị trường TPCN được đánh giá tăng trưởng nhanh và đang tập trung vào các công ty dược chất lượng cao. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng (VAFF), nhu cầu TPCN tăng đáng kể trong thập kỷ qua, với tỷ lệ người tiêu dung Việt Nam sử dụng TPCN tăng từ 6% năm 2010 lên ~26% năm 2019. Số lượng công ty sản xuất TPCN và sản phẩm đăng ký cũng tăng đáng kể từ ~1.900 doanh nghiệp và 3.400 sản phẩm năm 2010 lên 4.200 doanh nghiệp và 11.000 sản phẩm năm 2019. Từ 2020, sau khi thắt chặt quy định, số lượng này ước tính giảm còn ~1.200 doanh nghiệp và 5.000 sản phẩm.
Mở rộng danh mục sản phẩm và tận dụng công suất nhà máy dư thừa
Hiện tại, danh mục sản phẩm của Traphaco vẫn còn khiêm tốn và chỉ có 3-4 sản phẩm chính: thuốc bổ gan (Boganic); thuốc bổ não (Cebratron); thuốc tiêu hóa (Tottri); và vitamin (Antot IQ). So với các công ty khác (như Dược Hậu Giang, Mediplantex, Domesco), Traphaco vẫn còn nhiều dư địa để nghiên cứu và giành thị phần cho sản phẩm mới, như thuốc hạ sốt, thuốc chữa bệnh hô hấp, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, tinh dầu, vv…
Theo đánh giá của SSI Research, với sự hỗ trợ của Daewoong Pharma, Traphaco có thể xây dựng danh mục thuốc tân dược chuyển giao công nghệ và giảm thời gian cho R&D sản phẩm mới. Điểm mạnh khác là Traphaco vẫn còn nhiều công suất nhà máy dư thừa: 2 nhà máy thuốc đông dược (thành lập năm 2010 và tiếp tục nâng cấp nhà máy) đang chạy 60%-65% công suất, và 1 nhà máy thuốc tân dược (bắt đầu hoạt động năm 2018) đang chạy 25%-30% công suất cho sản phẩm mới.