Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không đồng tình với mục tiêu nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) được Bộ Công Thương đề ra cho năm 2019 khi mà năm 2018 đã xuất siêu kỷ lục.
Việt Nam có thể nhập siêu 3 tỷ USD trong năm 2019
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, tiếp theo kết quả tích cực đạt được của năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng.
Theo đó, quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%).
Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương. |
Năm 2018, cùng với tăng trưởng GDP chung cả nước, thương mại trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10 - 10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2019 tăng 6,8%, ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9 - 10%.
Cân đối xuất nhập khẩu: Xuất khẩu năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,5 - 12%.
Cân đối về điện: Nhu cầu điện năm 2019 dự kiến tăng khoảng 10,4% so với năm 2018, điện sản xuất và mua năm 2019 khoảng 232,5 tỷ kWh .
Không thể chấp nhận mức nhập siêu 3 tỷ USD
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau nhiều năm đổi mới ngành Công Thương Việt Nam đã liên tục phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và động lực quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là những năm gần đây.
Bộ Công Thương đã xây dựng thể chế, tái cơ cấu đổi mới phương thưc quản lý với những bước đi vững chắc trong đó đặc biệt Bộ đã trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành một số Luật như Luật quản lý cạnh tranh, Luật quản lý xây dựng vật liệu nổ, Pháp lệnh Quản lý thị trường...
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương cao năm 2018, Bộ Công Thương đã cắt giảm đến 677/1216 điều kiện của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ Công Thương vẫn là Bộ đi đầu trong việc phát triển dịch vụ công trực tuyến, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
“Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 37 bậc, xếp thứ 27 thế giới và thuộc nhóm đầu ASEAN là điểm bất ngờ tiến bộ của Bộ Công Thương. Việt Nam là một trong những nước tự hào là chỉ số tiếp cận điện năng tốt nhất, tăng nhanh nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra rằng, Bộ Công Thương cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyến điểm, tồn tại như tính chủ động trong công tác lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch trong ngành công thương còn chưa cao. Một số quy hoạch được triển khai chậm so với yêu cầu của thực tiễn gây lúng túng trong công tác quản lý (ví dụ quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia...).
Riêng về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Bộ Công Thương trong vòng 3 ngày đã có 1 chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng tình với mục tiêu nhập siêu dưới 2% (3 tỷ USD) được Bộ Công Thương đề ra cho năm 2019 khi năm 2018 đã xuất siêu kỷ lục. Và mục tiêu hàng hóa bán lẻ doanh thu dịch vụ phải tăng cao 12, 13%. Bảo đảm cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện tăng trên 10% so với năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Việt Nam có trở thành “con rồng” hay không là nhờ một phần sự phát triển đột phá của ngành Công Thương trong thời gian tới. Với niềm tin và sự thành công liên tiếp trong ba năm vừa qua, Thủ tướng tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân.